33% doanh nghiệp TPHCM đã xây dựng website bán hàng online

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, hiện có 33% doanh nghiệp (DN) đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Người dân mua hàng online ngày càng dễ dàng và tiện lợi
Người dân mua hàng online ngày càng dễ dàng và tiện lợi

Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố phát triển nhanh chóng, ngày càng phổ biến trong hoạt động kinh doanh của DN và đời sống người dân. Các DN đã quan tâm, đầu tư có chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử, bắt kịp với xu hướng chung của thế giới là thương mại trên thiết bị di động (mobile commerce). Tỷ lệ website thương mại điện tử có phiên bản dùng cho thiết bị di động đã tăng từ 28% (năm 2018) lên 34% (năm 2019); tỷ lệ xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động (app) đạt 9%. 

Các phương thức thanh toán được bên bán thực hiện rất linh hoạt và đa dạng như trả tiền khi nhận hàng (COD), chuyển khoản, Internet Banking, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua. Đặc biệt, việc phát triển các hình thức ứng dụng thanh toán liên kết với ngân hàng, như ví điện tử, cũng làm thị trường kinh doanh bán lẻ thêm sôi động. Song song đó, các hình thức mua bán cá nhân (C2C) cũng phát triển mạnh mẽ nhờ sự thâm nhập cao của Internet, các thiết bị di động và mạng xã hội; qua đó, ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Cùng với việc phát triển mạnh thương mại điện tử, thành phố đang đẩy mạnh triển khai quy hoạch phát triển ngành thương mại để đẩy mạnh tăng trưởng ngành bán lẻ. Hiện thành phố đã có 238 chợ, 230 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi. Tốc độ phát triển hạ tầng hệ thống đang có xu hướng đi vào ổn định.

Tin cùng chuyên mục