300 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm ​

Triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM (HCMC FOODEX 2022) có chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” thu hút hơn 240 gian hàng, gần 300 doanh nghiệp tham dự trực tiếp, trực tuyến. HCMC FOODEX 2022 góp phần giới thiệu sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, quảng bá sản phẩm chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín...

Ngày 19-10, Triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM (HCMC FOODEX 2022) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Triển lãm do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) và Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam phối hợp thực hiện.

300 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm ​ ảnh 1 Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm có chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” thu hút hơn 240 gian hàng, gần 300 doanh nghiệp tham dự trực tiếp, trực tuyến. HCMC FOODEX 2022 góp phần giới thiệu sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, quảng bá sản phẩm chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả.

Tại triển lãm lần này, các doanh nghiệp sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị …); nhóm sản phẩm được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành hỗ trợ liên quan. HCMC FOODEX 2022 mở cửa đón khách tham quan từ 9 đến 17 giờ hàng ngày từ 19-10 đến hết ngày 22-10, kỳ vọng thu hút khoảng 18.000 lượt khách làm việc và tham quan.

300 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm ​ ảnh 2 Khách tham quan gian hàng tại triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 9,71% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 804.728 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 19,6%.

“Có thể khẳng định, kinh tế TP đã phục hồi sớm hơn kỳ vọng và đang trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh”.

Trong đó, ngành chế biến lương thực thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đã gặp nhiều khó khăn và thách thức từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, hệ thống phân phối bị gián đoạn, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TPHCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030, xem đây là một trong những chương trình đột phá để TP tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Với định hướng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm theo hướng công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và sản phẩm có uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, TP sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, xác định các tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm; đồng  thời xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể đối nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng.

Thứ hai, triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách ưu đãi mới, mang tính đột phá cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm. Trọng tâm là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại; thực hiện chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất và kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn, quy định và tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đối với sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm. 

Tin cùng chuyên mục