3 kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV7 đang phát sóng các bài giảng

Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong học tập trực tuyến.
Học sinh học trực tuyến đang phải sử dụng nhiều phương tiện để học tập. Ảnh: QUANG PHÚC
Học sinh học trực tuyến đang phải sử dụng nhiều phương tiện để học tập. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ GD-ĐT cho biết, triển khai việc dạy học ứng phó với tình hình dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.

Riêng về dạy học trên truyền hình, Bộ đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong học tập trực tuyến. Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.

Hiện nay, có 3 kênh truyền hình quốc gia là VTV1, VTV2, VTV7 đang phát sóng các bài giảng trên truyền hình; các kênh truyền hình tỉnh/thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương.

Khung giờ phát sóng cụ thể bài giảng lớp 1, lớp 2 trên các kênh truyền hình quốc gia như sau:

Kênh VTV1, từ 10 giờ - 10 giờ 30 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV2, từ  9 giờ 15 - 9 giờ 45 và từ 14 giờ 30 - 15 giờ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV7, từ 14 giờ - 16 giờ 30 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2.

Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua, việc phát sóng qua truyền hình đã được thực hiện trên 3 kênh truyền hình quốc gia là VTV1, VTV2, VTV7; các kênh truyền hình tỉnh/thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương. Ngoài lớp 1, lớp 2, kênh VTV7 và một số kênh truyền hình địa phương hiện còn đang phát sóng bài giảng các môn lớp 6, lớp 10, lớp 12.

Nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục có chất lượng; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học; đồng thời, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp dạy học, Bộ GD-ĐT, Hệ tri thức Việt số hóa và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phối hợp phát động, đồng hành và tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử.

Kho học liệu số của Hệ tri thức Việt số hóa (igiaoduc.vn) bắt đầu mở tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 30-9 đến hết ngày 30-10. Thời hạn cuối cùng Ban tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi là 24 giờ ngày 30-10-2021. Ban Tổ chức có thể thay đổi thời gian cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ GD-ĐT đã ban hành thể lệ cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử. Đối tượng dự thi là nhà giáo đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Tác giả có thể tham gia dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm (không quá ba tác giả cho mỗi nhóm). Sản phẩm bài giảng điện tử dự thi gồm: Bài giảng e-Learning (là sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-learning); Video bài giảng (là bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video). Mỗi sản phẩm kèm theo kế hoạch bài dạy (giáo án). Các nhà giáo đăng ký, nộp sản phẩm dự thi theo hình thức trực tuyến trên Hệ tri thức Việt số hóa tại địa chỉ igiaoduc.vn.

Yêu cầu về sản phẩm dự thi, là bài giảng phải triển khai được toàn bộ quá trình (các hoạt động) dạy và học (tối thiểu cho một tiết học) thuộc chương trình giáo dục phổ thông. Bài giảng giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ.

Để tham gia cuộc thi và nộp sản phẩm dự thi, tác giả phải có tài khoản sử dụng trên hệ thống igiaoduc.vn. Tác giả liên hệ nhà trường để lấy thông tin tài khoản.

Ngày 23-9, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp tiểu học của 22 Sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Khoá tập huấn kéo dài 2 ngày, sẽ cung cấp tổng quan kiến thức về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, giúp giáo viên nắm được điểm giống và khác, ưu điểm và hạn chế giữa dạy học trực tuyến/qua truyền hình với dạy học trực tiếp, từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo viên cũng được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến/qua truyền hình đối với từng môn học/hoạt động giáo dục; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hình thức này và tư vấn “gỡ khó” cách xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tuyến/qua truyền hình.

Báo cáo viên của khoá học là chuyên gia am hiểu và có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, đến từ Vụ Giáo dục Tiểu học và các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên… Trong số 400 học viên, ngoài đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học của các Sở GDĐT, đại diện Phòng GDĐT cấp huyện, thì 330 người còn lại là giáo viên các môn học Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Thể dục, Nghệ thuật, Tin học cấp Tiểu học.

“Hiệu quả và chất lượng của việc dạy học trực tuyến được tính bằng tích của 3 chữ làm: biết làm - tức có năng lực sư phạm để dạy học trực tuyến; có điều kiện để làm - tức có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để giáo viên, học sinh học tập; và có động lực để làm. Quan trọng là nếu một trong 3 thừa số bằng 0 thì tích cũng bằng 0. Do đó, chúng ta cần đồng thời đảm bảo 3 yếu tố, để đạt được chất lượng dạy học trực tuyến tốt nhất”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh. "Nếu lực lượng y tế đang “căng mình” ở tuyến đầu chống dịch, thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò thực hiện các biện pháp an toàn về dịch, dù không thể đến trường vẫn không ngừng việc học và được học một cách tử tế, chất lượng", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Trong tháng 9 này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức 2 khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp Tiểu học của các tỉnh còn lại; đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh thành phố.

Tin cùng chuyên mục