20.000 hồ sơ đất đai trễ hạn nhưng “không có ai không hài lòng”

Từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT giải quyết gần 502.100 hồ sơ, trong đó có gần 34.860 hồ sơ trễ hẹn, trong đó có 20.000 hồ sơ ký mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy vậy, số liệu thống kê từ hệ thống đánh giá hài lòng của thành phố thì trong 1.023 lượt đánh giá, không có ai không hài lòng. 

Chiều 25-10, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, dẫn đầu đoàn của thành phố kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 tại Sở TN-MT.

“Không có trường hợp không hài lòng”

Phát biểu mở đầu, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, năm 2019 thành phố chọn chủ đề đột phá về CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

20.000 hồ sơ đất đai trễ hạn nhưng “không có ai không hài lòng” ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc.
“Ngay từ đầu năm, tôi đã nêu 10 vấn đề cụ thể, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và cho biết, buổi kiểm tra đột xuất này là tìm hiểu trách nhiệm của Giám đốc Sở TN-MT về nhiều nội dung liên quan đến chỉ đạo CCHC, như công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư; thái độ của cán bộ, công chức cũng như chấn chỉnh những thiếu sót hạn chế, những bất cập.

Vì vậy, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị. Cùng đó là đề xuất những giải pháp, nội dung tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thời gian còn lại để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC của năm.

Báo cáo với đoàn, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin, nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường năm 2019 tăng rất cao. Từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT tiếp nhận hơn 570.000 hồ sơ các loại. Trong đó, lĩnh vực đất đai là gần 501.700 hồ sơ (bình quân 50.170 hồ sơ/tháng).

Để nâng cao ý thức trách nhiệm, Sở TN-MT đã kiểm tra ngẫu nhiên 7/21 phòng, ban, đơn vị và nhận thấy còn một số tồn tại như chậm công bố bộ thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ còn trễ hẹn… Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT giải quyết gần 502.100 hồ sơ, trong đó có gần 34.860 hồ sơ trễ hẹn.  

Tuy vậy, số liệu thống kê từ hệ thống đánh giá hài lòng của thành phố, tỷ lệ hài lòng đạt 99% (1.013/1.023 lượt đánh giá), 1% (10 lượt) đánh giá bình thường và không có trường hợp không hài lòng.

Trước tỷ lệ hồ sơ hài lòng ấn tượng trên, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị cần phân tích kỹ về tỷ lệ 1% (10 lượt) đánh giá bình thường là thuộc lĩnh vực nào, do ai phụ trách và việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ra sao.

Phân tích thêm, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Phước Thắng nhấn mạnh, số lượt tham gia đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức là rất thấp, chỉ đạt 0,2%. Vì vậy, Sở TN-MT cần thực hiện cách đánh giá mới để cho ra kết quả chính xác.

Đồng tình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Công Hùng bày tỏ, số người thực hiện thủ tục rất lớn nhưng số người đánh giá quá thấp nên không thể có kết quả chính xác được. Về số hồ sơ trễ hẹn, theo ông Hùng do số hồ sơ của Sở TN-MT nói riêng và toàn TPHCM (năm 2018, toàn toàn thành phố tiếp nhận 16 triệu hồ sơ; 9 tháng đầu năm 2019 tiếp nhận 18 triệu hồ sơ) nên chỉ 1% hồ sơ trễ hẹn là con số rất lớn. Vì vậy, Sở TN-MT cần phân tích rõ nguyên nhân vì sao trễ hạn cũng như việc thực hiện thư xin lỗi và xác định, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan ra sao.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhận xét, về số lượt tham gia đánh giá là quá nhỏ sẽ không phản ánh được chính xác và tự hài lòng với kết quả này là không ổn. Do đó, Sở TN-MT cần có giải pháp để số người dân, doanh nghiệp tham gia đánh giá cao hơn.

Còn nhiều vấn vấn đề

Trước báo cáo của lãnh đạo Sở TN-MT, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, báo cáo thành tích rất hay nhưng đi sâu vào các vụ việc cụ thể thì rất nhiều vấn đề.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kết quả của công tác CCHC được đo đếm bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp hài lòng. “Rất nhiều doanh nghiệp gặp tôi than về vấn đề này, như dự án 23 Nguyễn Trãi, phải đợi tôi điện thoại Giám đốc Sở TN-MT thì mới trả lời cho doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng.

Một trường hợp khác, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong là việc Ngân hàng ADB tài trợ cho TPHCM nhiều triệu USD cho TPHCM. Văn bản được Trung ương chuyển về từ cuối tháng 8-2019 nhưng mãi một tháng sau, sau khi Chủ tịch UBND TP “giục” thì Sở TN-MT mới có văn bản tham mưu. Thế nhưng, văn bản được chuyển đến Văn phòng UBND TP thì tiếp tục bị “ách tại” đây.

Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thắc mắc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN-MT đã thực nhiệm giao trách nhiệm và kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp giải quyết hồ sơ chậm trễ cũng như cán bộ, công chức có thái độ ứng xử chưa chuẩn mực trong tiếp, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

20.000 hồ sơ đất đai trễ hạn nhưng “không có ai không hài lòng” ảnh 2 Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng 
Đánh giá chung, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, thời quan qua, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện CCHC và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ trễ hẹn vẫn còn nhiều. Do quy định pháp luật còn chồng chéo, khiến cán bộ, công chức e ngại. Các quy định trong Luật Đất đai, Luật Đầu tư công… “đá” nhau nên mỗi lần giải quyết hồ sơ phải xin ý kiến của các bộ, của Thủ tướng Chính phủ. Song, trong các trường hợp này thì cần thông tin cụ thể, giải thích cho người dân, doanh nghiệp được rõ.

“Vừa qua có một số trường hợp đáng tiếc tại Sở TN-MT”, Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét và cho biết, điều này dẫn đến trong xử lý hồ sơ cán bộ, công chức đã thận trọng hơn. Tuy nhiên, cán bộ, công chức cũng chưa chủ động, chưa sắp xếp giải quyết tốt nhất hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, hồ sơ để kéo dài quá lâu, trong đó có cả Văn phòng UBND TP.

Nhấn mạnh vị trí quan trọng của Sở TN-MT trong đóng góp vào sự phát triển của TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu cán bộ, công chức, lãnh đạo các phòng ban thuộc Sở TN-MT cần có sự tập trung quyết liệt hơn trong CCHC. Đặc biệt, liên quan đến một số dự án trọng điểm, khi có vấn đề thì các phòng ban cần báo cáo ngay để ban giám đốc Sở TN-MT giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo Thường trực UBND TP.

 “Trước một số vụ việc vừa xảy ra, tôi rất chia sẻ với Sở TN-MT nhưng điều đó càng đòi hỏi sự chặt chẽ trong tham mưu, xử lý vấn đề. Nhưng như thế không có nghĩa là không làm gì hết. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp đang chờ đợi giải quyết hồ sơ, nhưng vẫn trì hoãn, ách tắc thì không thể chạy được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý.

Giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục đất đai

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, trong năm 2019, Sở TN-MT tập trung thực hiện nhiềm giải pháp trọng tâm, kéo giảm hồ sơ trễ hẹn. Theo đó, Sở TN-MT công bố và niêm yếu công khai 120 thủ tục hành chính trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ và lãnh đạo Sở TN-MT đánh giá được cán bộ thực hiện, tránh trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Hiệu quả của giải pháp mang lại là đã góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giảm được khoảng 4.000 hồ sơ so với cùng kỳ.

Sở TN-MT cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và từ Ban Giám đốc Sở TN-MT về Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP và trình cơ quan có thẩm quyền khắc con dấu thứ 2 để đóng dấu, cấp giấy tại VPĐKĐĐ TP. Giải pháp này giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục là 10 ngày. Hiện nay, Sở TN-MT tiếp tục trình UBND TP giai đoạn 2 và dự kiến trong tháng 11-2019 sẽ ủy quyền trực tiếp cho giám đốc 24 chi nhánh VPĐKĐĐ các quận - huyện ký giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân. Bằng giải pháp này, dự kiến hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai sẽ giảm 10%.

Cạnh đó, Sở TN-MT phối hợp thí điểm liên thông thuế điện tử giữa Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 1, quận 12 với cơ quan thuế, đã giảm thời gian đi lại nhiều cơ quan, kinh phí cho người dân…

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai công tác CCHC năm 2019 tại UBND quận 1. Đánh giá quận 1 đã duy trì được thế mạnh về CCHC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Chủ tịch UBND quận 1 tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử.

Cụ thể, phải thực hiện liên thông nội bộ; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp dân và giám sát thái độ công chức để kết quả đánh giá cán bộ đúng, qua đó thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về chi thu nhập tăng thêm có hiệu quả; có giải pháp để tăng tỷ lệ người dân tham gia đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt đánh giá ở từng khâu. Ngoài ra, UBND quận 1 có giải pháp vận động toàn dân tham gia dịch vụ công trực tuyến để đạt được mục tiêu cán bộ không tiếp xúc trực tiếp với người dân, qua đó tránh phiền hà, tiêu cực. Dịp này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng mong muốn UBND quận 1 duy trì Trung tâm Công nghệ thông tin quận 1 để phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong tương lai; có cơ chế thu hút nhân sự làm công nghệ thông tin giỏi cho trung tâm và duy trì cơ chế tự chủ về tài chính như hiện nay. (THU HƯỜNG)

Tin cùng chuyên mục