20 năm gắn bó với nghề nuôi cá cảnh

20 năm, trải qua không ít thăng trầm với nghề, nhưng anh Phan Văn Lâm (ngụ số 2/18B khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, TPHCM) vẫn kiên trì, gắn bó với nghề nuôi cá cảnh, vì sự đam mê cũng như những hiệu quả thiết thực từ nghề này mang lại.
Phan Văn Lâm giới thiệu mô hình nuôi cá đĩa của mình
Phan Văn Lâm giới thiệu mô hình nuôi cá đĩa của mình

Nhắc đến niềm đam mê với nghề, anh Lâm chia sẻ, ban đầu anh nuôi cá chỉ vì thấy nhiều người nuôi hay hay, đẹp mắt, nên thích thú làm theo. Rồi khi bắt tay vào nuôi (từ những năm cuối thập niên 1990, đến nay đã 20 năm), niềm đam mê ấy của anh đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện trong nhà anh luôn có khoảng 1.000 con cá đĩa, mỗi tháng trung bình anh xuất ra thị trường từ 350 - 400 con với đủ loại kích cỡ (từ 5cm - 6cm/con, 7cm - 8cm/con hay 9cm - 10cm/con)... Không chỉ bán ở thị trường trong nước, nguồn cá cảnh của anh Lâm còn được nhiều thương lái tìm đến nhà để mua xuất bán ra nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, anh Lâm thu lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng từ việc nuôi cá đĩa. Mọi người trong nghề đều công nhận anh Lâm là một trong những người thành công về nuôi cá đĩa, góp phần đưa nghề cá cảnh ở địa phương ngày càng phát triển. 

Để đạt kết quả như trên, anh Lâm đã nỗ lực học tập kinh nghiệm từ những hộ đi trước; từ tài liệu, sách báo hướng dẫn về chuyên đề nuôi cá cảnh; từ những buổi tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình nuôi cá cảnh do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện Hóc Môn tổ chức. Nhờ vậy, anh được trau dồi kiến thức chuyên môn và có nhiều cách xử lý hay trong vấn đề nuôi cá; được Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn chọn tham gia mô hình trình diễn nuôi cá đĩa thương phẩm. Chia sẻ về điều này, anh Lâm cho biết: “Tuy là một trong những hộ có thâm niên nuôi cá cảnh, nhưng khi được tham gia mô hình trình diễn khuyến nông Nuôi cá đĩa đỏ thương phẩm, tôi được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, qua đó nâng cao kỹ thuật và bản thân càng thêm thích thú với nghề nuôi cá cảnh”. 

Nói về kinh nghiệm nuôi cá đĩa, anh Lâm cho rằng để thành công thì phải có niềm đam mê, yêu nghề, vì có như vậy thì người nuôi mới có sự cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình nuôi cá. “Nuôi cá cảnh, đặc biệt là cá đĩa, không nặng công nhưng rất cần sự chu đáo và cần mẫn khi nuôi. Trong đó, khâu quan trọng nhất là nguồn nước, vì ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sinh sản của cá, phải theo dõi thường xuyên để tránh sự thay đổi nhiệt độ nguồn nước do thời tiết. Thức ăn cho cá chủ yếu là tim bò, trùn chỉ, nhưng phải cung ứng vừa đủ để nước trong hồ ít bị nhiễm khuẩn, hạn chế các bệnh nấm ngoài da, bệnh đường ruột ở cá, giúp giảm tỷ lệ cá bột hao hụt, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, màu sắc của cá. Đặc biệt, để có được những chú cá đĩa đẹp, bắt mắt, ngoài những yếu tố trên còn phụ thuộc vào việc chọn giống, phối giống, lai tạo màu. Phải luôn trau dồi, nâng cao kỹ thuật nuôi… mới có thể tạo ra những giống cá đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Lâm cho biết.

Từ mô hình nuôi cá đĩa hiệu quả của anh Lâm, nhiều nông dân ở TPHCM đã có định hướng, chọn lựa mới về sản xuất nông nghiệp đô thị. Đây là cơ sở khuyến khích nông hộ chuyển đổi sản xuất phù hợp với quá trình đô thị hóa nông thôn theo Quyết định 04/2016 của UBND TPHCM về việc “khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị”, góp phần thúc đẩy kinh tế nông hộ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, góp phần đưa nghề nuôi cá cảnh ở thành phố phát triển ổn định và lâu dài.

Tin cùng chuyên mục