2 cựu cảnh sát phòng chống buôn lậu bị truy tố về tội buôn lậu

Ngày 22-11, Viện KSND TPHCM đã hoàn tất cáo trạng chuyển hồ sơ sang TAND TPHCM xét xử 26 bị can trong vụ án cựu cán bộ Đội phòng chống buôn lậu (Đội 7) của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03), Công an TPHCM buôn lậu hơn 1.280 container là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam tiêu thụ.

Trong 26 bị can bị truy tố tội “Buôn lậu” có cựu cán bộ công an Hoàng Duy Tiến (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Nghệ An, trú quận Bình Tân, là chủ mưu ) và Võ Văn Đông (sinh năm 1967, ngụ quận 8) từng là cán bộ công an công tác ở Đội 7, Phòng PC03, Công an TPHCM.

Theo kết luận điều tra, trong thời gian dài, Hoàng Duy Tiến và các đồng phạm thực hiện nhập lậu một số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Mặc dù biết rõ quyết định 18 quy định chặt chẽ về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam nhưng Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để kinh doanh mua bán, nhằm thu lợi bất chính.

Để thực hiện hành vi, Tiến và các nhân viên của mình đã trực tiếp sử dụng pháp nhân các công ty do Tiến chỉ đạo nhân viên thành lập để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống để đủ điều kiện theo quy định của quyết định 18 nên Tiến đã móc nối với Công ty CP Giám định Đại Minh Việt để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan hải quan.

Đối với các bị can là nhân viên Công ty CP Giám định Đại Minh Việt, mặc dù không thỏa thuận với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Phòng giám định, Giám định viên hoàn toàn biết rõ và buộc phải biết các quy định của quyết định 18.

Tuy nhiên, các bị can đã bất chấp các quy định của pháp luật, lập khống các biên bản cũng như cấp khống các chứng thư giám định, giúp Tiến và các nhân viên của Tiến hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.

Đối với các bị can là chủ hàng của Tiến, do nhu cầu cần mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ để kiếm lời, các bị can đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để Tiến nhập lậu hàng hóa về Việt Nam. Sau đó, Tiến giao lại cho các bị can để kinh doanh mua bán, không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, hành vi của các bị can được xác định là đồng phạm với Tiến.

Hành vi của các bị can là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất, nhập khẩu….

Tin cùng chuyên mục