16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị: Bây giờ ra sao?

Tháng 10-2013, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”) đã khởi động thực hiện kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị cấp TP. Nay, 16 tuyến đường này ra sao?
Mỗi tối, các quán nhậu lại bày bán chiếm dụng vỉa hè đường Phạm Văn Đồng
Mỗi tối, các quán nhậu lại bày bán chiếm dụng vỉa hè đường Phạm Văn Đồng

Kết quả chưa như mong đợi

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2016 hoàn thành việc xây dựng 16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị. Và rồi, năm 2016, Hội nghị đánh giá xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị đã ghi nhận được nhiều mô hình sáng tạo và giải pháp hay ở các địa phương. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng nhận xét: Vệ sinh môi trường chưa tốt, tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lề đường vẫn còn diễn ra; một số địa phương chưa thực sự quan tâm và xử lý quyết liệt tình trạng quảng cáo sai quy định; công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả chưa cao. Theo dõi trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch này, chúng tôi ghi nhận đến nay chỉ một số tuyến đường ở trung tâm quận 1 có chuyển biến khá tốt, còn lại nhiều tuyến đường thay đổi không đáng kể, có lúc thay đổi theo từng đợt ra quân cao điểm của các địa phương, xong thì đâu lại vào đấy. 

Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) được mệnh danh là một trong những phố nhậu về đêm ở TPHCM. Có thời điểm, khi báo chí nói nhiều, các phường và quận ra quân ráo riết, tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường có lắng xuống vài ngày, rồi trở lại như cũ. Đến nay, các hàng quán vẫn dọn bàn ghế ra choáng hết vỉa hè rộng lớn, xe máy của khách thì nhồi vào mấy con hẻm kế bên. Tại đường Nguyễn Trãi (quận 5), nạn chiếm dụng lòng lề đường đã thành chuyện thường ngày, hàng rong bủa vây toàn bộ vỉa hè và tràn xuống lòng đường. Khi trả lời về việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, lãnh đạo UBND phường 2 và phường 3 quận 5 vẫn một mực cho rằng lực lượng trật tự đô thị của phường thường xuyên đi kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm, nhưng vừa đi khỏi thì những người buôn bán hàng rong lại lấn chiếm. Đúng là trật tự đô thị của phường có đi kiểm tra, nhưng mỗi khi họ vừa xuất phát từ trụ sở ủy ban thì những người buôn bán hàng rong đã biết để chạy, nên việc chấn chỉnh không có hiệu quả. 

Thời gian gần đây, người dân ở tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) cũng phàn nàn về việc các quán ăn cho nhân viên xuống đường bắt khách, khiến tuyến đường ra vào sân bay - bộ mặt của TP - trở nên vô cùng bát nháo. Trong khi đó, ở đường Nguyễn Chí Thanh (giáp ranh các quận 5, 10, 11), chính quyền địa phương làm hàng rào trên vỉa hè để hạn chế nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Thế nhưng hiện nay, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (nhất là khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn vô cùng bát nháo, phía trong hàng rào trở thành điểm giữ xe máy, phía ngoài hàng rào các xe đẩy hàng rong tràn ra lòng đường buôn bán bất chấp xe cộ qua lại, người đi bộ phải ra giữa lòng đường để đi trong dòng xe cộ đang lưu thông.  

Đáng nói nhất là tuyến đường Phạm Văn Đồng (qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp), khánh thành vào tháng 8-2013, sau đó 2 tháng được đưa vào danh sách xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị. Tưởng làm ngay từ đầu thì phải hiệu quả nhất, nhưng không, tuyến đường này đang bị chiếm dụng toàn bộ vỉa hè làm quán nhậu, bàn ghế ken kín, nơi đây trở thành phố nhậu lớn nhất của TPHCM. 

Ngoài ra, 141 tuyến đường trong kế hoạch xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị cấp quận - huyện cũng đang còn ngổn ngang.

Cần rốt ráo hơn

Việc xây dựng các tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hướng đến xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Do vậy, đến năm 2017, kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị tiếp tục được tập trung thực hiện, với 3 nội dung trọng tâm: Nâng cao việc chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông; Xây dựng mỹ quan đường phố và nếp sống văn minh đô thị; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM sẽ tập trung chấn chỉnh việc quảng cáo biển hiệu, triển khai áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để chấm dứt cảnh nhếch nhác do việc quảng cáo, rao vặt trái phép và phát tờ rơi tại các giao lộ. Đến nay, các nội dung trọng tâm cần chấn chỉnh vẫn tồn tại ở hầu hết các tuyến đường này. Có thể kể đến tình trạng các biển quảng cáo sai quy cách, choáng hết mặt tiền nhà, hay tình trạng quảng cáo, rao vặt dán trên bờ tường, trụ điện, treo trên thân cây, và tờ rơi vẫn rải đầy các giao lộ.

Ông Nguyễn Đức Lực (ngụ đường Điện Biên Phủ, quận 3) phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP: “Tôi thấy các địa phương hô hào là chủ yếu, chứ không thấy quyết liệt thực hiện như kế hoạch đã đề ra. Nhiều lúc phát hiện các trường hợp xả bẩn ra vỉa hè hay dán tờ rơi ở trụ điện, tôi gọi điện thoại báo, mà có thấy ai tới xử lý gì đâu! Để xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị có hiệu quả, các địa phương và cơ quan chức năng phải làm cho ra làm, tiếp nhận và xử lý rốt ráo, nhanh chóng phản ánh của người dân về các trường hợp vi phạm; không e dè, cả nể trong việc xử phạt lấn chiếm lòng lề đường”.

Tin cùng chuyên mục