100 năm sân khấu cải lương - Tằm mãi vương tơ: Sân khấu thời khủng hoảng

Sau giai đoạn nhà nhà xem cải lương, người người mê cải lương, là giai đoạn sàn diễn thể hiện sự chậm chân khi song hành cùng cuộc sống. Qua thời hưng thịnh, sân khấu cải lương bước vào khủng hoảng vì thiếu kịch bản mới, chất lượng; mất dần những rạp hát; bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí hiện đại… 
Cải lương thời hiện đại được đầu tư, chăm chút về sân khấu, phục trang nhưng vẫn loay hoay để tồn tại. Ảnh: THÚY BÌNH
Cải lương thời hiện đại được đầu tư, chăm chút về sân khấu, phục trang nhưng vẫn loay hoay để tồn tại. Ảnh: THÚY BÌNH

Rạp hát cải lương lần lượt mất dần

“Có lẽ nên xác định cải lương hiện tại đang trong cơn “tai biến”. Về đội ngũ tác giả, người am hiểu còn lại rất hiếm hoặc đã cao tuổi; người trẻ có nhiệt huyết nhưng lại ít hiểu biết về cải lương. Ai có khả năng viết thì chạy theo phim điện ảnh và truyền hình. Do không có đào tạo nên không có đạo diễn cải lương đúng nghĩa. Diễn viên tên tuổi một thời thì đang ở thời kỳ lực bất tòng tâm. Diễn viên nổi tiếng làm liveshow là chính để diễn trích đoạn mà khán giả ưa thích; còn số khác chuyển sang mưu sinh… Lớp khán giả ruột của cải lương không còn bao nhiêu, khán giả trẻ không mấy yêu thích vì chưa hiểu hết về loại hình nghệ thuật này”. Đó là chia sẻ của NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc. 

Một thực tế khác là trong khi các rạp hát cải lương lần lượt mất dần thì hàng loạt rạp phim, khu vui chơi giải trí đa năng, kể cả các sân khấu ca nhạc được đầu tư hiện đại, hoạt động rầm rộ. Các kênh truyền hình đa dạng cùng với sự phong phú của các trang mạng truyền thông giúp khán giả có nhiều cơ hội được xem miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật, trong đó có cải lương. Điều đó dẫn đến thực trạng: sân khấu dần vắng hoe! 

Rạp hát Hưng Đạo của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được thành phố xây dựng mới hoàn toàn với kinh phí hơn 132 tỷ đồng nhưng lại không đáp ứng tốt nhu cầu biểu diễn của một rạp hát cải lương chuyên nghiệp: không gian sân khấu chính nhỏ hẹp, ghế ngồi của khán giả nhỏ và dốc, sàn diễn gói gọn vài mét vuông, thiết kế trần thấp khiến cảnh trí lớn không thể dựng và diễn, sân khấu thử nghiệm xây dựng như một sàn diễn thời trang… 

Ngoài rạp Hưng Đạo, Nhà hát Bến Thành là địa điểm được các đơn vị xã hội hóa chọn làm nơi tổ chức biểu diễn vì hội đủ điều kiện cần thiết của một sàn diễn cải lương. Hàng loạt vở cải lương đã được trình diễn tại đây, thu hút rất đông khán giả đến xem như: Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Trung thần, Thầy Ba Đợi… Tuy nhiên, để có một suất diễn như thế, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa phải thuê sàn diễn lên đến 60 - 70 triệu đồng/đêm. Vì số tiền thuê mướn quá cao đó mà các vở diễn không thể duy trì thường xuyên. 

Đạo diễn Lê Trung Thảo tâm tư: “Vấn đề lớn mà sân khấu cải lương hiện nay phải chú trọng chính là trả lời cho được câu hỏi: “Khán giả đang cần gì ở cải lương?”. Khán giả hôm nay không còn mặn mà tìm đến một phong cách tổ chức biểu diễn cũ kỹ, rạp hát ngày càng ít ỏi, xuống cấp trầm trọng; khán giả ngồi co ro xem hát vì chuột chạy rần rần dưới chân; ghế ngồi hư hỏng nhiều vì sử dụng lâu ngày; hiếm hoi vở mới chất lượng vì các soạn giả tài hoa không còn mấy ai, dàn nghệ sĩ thế hệ vàng lớn tuổi dần trong khi lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa giỏi nghề thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay… Khó khăn nhất của sân khấu chính là kinh phí. Nếu đầu tư hoành tráng mà khán giả đến lèo tèo thì cầm chắc lỗ vốn, nhưng đầu tư không lộng lẫy, quy mô thì khán giả lại càng không đến xem. Ở nhiều chương trình, mới diễn có một suất, khán giả đã lén lút quay clip rồi phát rộng rãi trên các trang mạng cho mọi người xem miễn phí. Chẳng còn ai chịu bỏ tiền mua vé đến rạp xem cải lương!”. 

Không phải cứ ca diễn là thành “nghệ sĩ”

Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy chia sẻ: Những cái tên lừng lẫy một thời như Thành Được - Út Bạch Lan, Hữu Phước - Hương Lan, Minh Vương - Lệ Thủy, Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Tấn Tài, Thanh Sang, để trở thành một nghệ sĩ giỏi đã trải qua rất nhiều cuộc cọ xát, rèn luyện. Ngày xưa gánh hát nhiều, nghệ sĩ các hạng lăn lộn với nghề từ thuở thiếu niên và đều có chỗ để dụng võ. Họ đi từ gánh hát này sang gánh hát khác, gặp đủ kiểu thầy, đủ loại khán giả. Từ đó, họ định hình được chính bản thân và cũng học hỏi được nhiều. Do đó, khi đã trở thành ngôi sao, họ luôn có cái riêng về hát, diễn, những “ngón độc” mà không ai có. Bây giờ muốn được như vậy, cần phải đào tạo và có môi trường cho nghệ sĩ cọ xát.

Cải lương 100 tuổi vẫn còn là trẻ so với các loại hình nghệ thuật khác. Nhưng với hình ảnh một cụ già 100 tuổi mà phải chạy marathon theo các con, các cháu tuổi còn thanh xuân, thì chúng ta mới thấy được sức bền bỉ của cải lương như thế nào. Dẫu có bị “phai tàn xuân sắc”, nhưng cải lương vẫn còn hiện diện trong đời sống nghệ thuật một cách hiển nhiên, còn khiến cho xã hội quan tâm, nhắc nhở rằng: cải lương đang xuống cấp, cần phải nâng nó lên, trả lại nó vị trí độc đáo trong lòng công chúng, trong sự mong mỏi của bao người. Cải lương đang đọ sức với quy luật phát triển nhưng đừng để quy luật phát triển làm mất đi bản chất của cải lương, đó là thật và đẹp.
Đạo diễn NGUYỄN HỒNG DUNG - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM


Thực tế cho thấy, nghệ sĩ lớn tuổi - thế hệ vàng nay không còn nhiều. Trong khi đó, lớp nghệ sĩ trẻ giỏi nghề lại thiếu hụt trầm trọng. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên lý giải: “Diễn viên hiện không qua được “cái bóng” của bậc tiền bối. Các nhạc sĩ trẻ được đào tạo từ Khoa Lý luận sáng tác của Nhạc viện TPHCM, từ chương trình học nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, có mấy người dành tâm huyết để viết nhạc cho cải lương? Chưa kể, mặc dù phải học đến 4 năm để làm diễn viên, song khi tốt nghiệp ra trường có bằng cấp, được đào tạo căn bản nhưng trong đội ngũ này được bao nhiêu người có “đất dụng võ” trong thời kỳ cải lương xuống dốc?”.

Như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hiện đang có lượng diễn viên hùng hậu nhưng lại thiếu gương mặt trẻ tài năng thực sự. NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Thực tế, lực lượng trẻ tại nhà hát khá đông, nhưng thừa nhân lực mà lại thiếu em giỏi nghề. Tôi cũng góp ý nhiều với các em về tính kỷ luật trong việc tập luyện, làm nghề nhưng vẫn tồn tại tình trạng khi lên sàn tập, các em không chịu học thuộc tuồng, diễn không nhập vai. Ở các em vẫn còn thiếu sự nhiệt huyết đam mê nghề cần phải có của một nghệ sĩ sân khấu”. 

Đạo diễn Lê Trung Thảo tâm tư: “Hai từ “nghệ sĩ” của sân khấu cải lương và việc đứng trên sàn diễn thật sự không hề đơn giản như nhiều em nghĩ. Ngoài giọng ca thiên phú, sàn diễn luôn đòi hỏi nhiều sự khổ luyện. Khi có được một hai vai diễn hay cũng chưa thể khẳng định được năng lực, giá trị thực sự một nghệ sĩ. Hành trình làm một nghệ sĩ chân chính là cả một quá trình rèn luyện, học hỏi. Hiện nay, ngoài giọng ca tốt, các bạn trẻ vẫn còn yếu về tâm lý nhân vật, kỹ thuật diễn xuất, vũ đạo, tính ước lệ trên sân khấu, ứng biến sân khấu”.

Công tác đào tạo ngành sân khấu cải lương cũng còn nhiều bất cập. Đầu thi tuyển vào không có sự đòi hỏi cao về năng khiếu, tố chất sân khấu cải lương nên thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp khó có thể thành danh. Ở nhiều vở thi tốt nghiệp, không phủ nhận còn khá nhiều em dù tốt nghiệp ra trường nhưng bản lĩnh sân khấu, kỹ năng ca diễn còn quá yếu. NSƯT Thanh Tuấn trăn trở: “Ngày xưa tên tuổi nghệ sĩ thành danh được là nhờ thước đo của khán giả, không được như ngày nay, nghệ sĩ được các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí, các trang mạng xã hội hỗ trợ quảng bá tên tuổi rộng khắp. Các em hôm nay may mắn được sự hỗ trợ của công nghệ nên mau trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay thế hệ kế thừa lượng nhiều mà chất còn ít quá. Đến bây giờ, các nghệ sĩ trẻ vẫn chưa thể hơn được lứa nghệ sĩ cũ”.

Không có không gian để làm nghề nghiêm túc, không có môi trường hoạt động thật sự lành mạnh, dù đào tạo chuyên môn bài bản tới đâu thì vẫn không thể có một đội ngũ làm nghề có chất lượng đáp ứng mong mỏi việc khôi phục lại giai đoạn hoàng kim của sân khấu cải lương. Không chỉ có thế, câu hỏi “cải lương sống bằng gì?” lại được đặt ra khi khán giả không còn mặn mà với bộ môn nghệ thuật truyền thống cả trăm năm tuổi của Nam bộ. Không có khán giả, cải lương có chết?

Có thời điểm tại TPHCM tồn tại cả chục CLB cải lương nhưng rồi hoạt động cứ lây lất, manh mún, thiếu chiến lược đầu tư phát triển nên lặng lẽ giải tán. Một vài đơn vị xã hội hóa còn cầm cự được đến nay thì thi thoảng mới đầu tư thực hiện một vài suất diễn đơn lẻ. Vì không có tiền nên có đơn vị tổ chức diễn cải lương nhưng không đầu tư đến nơi đến chốn; nội dung quảng bá không được chăm chút; trên truyền hình có không ít chương trình gameshow cải lương dựng và diễn không đúng chất cải lương… khiến nhiều khán giả trẻ vừa tiếp cận đã cảm thấy chán, hiểu sai về nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp, chính thống. NSƯT Kim Tử Long chia sẻ: “Có đơn vị nghệ thuật làm cải lương lại không chú trọng đầu tư, cứ bày biện trước công chúng, nhất là khán giả trẻ, một sàn diễn cải lương nghèo nàn, cảnh trí sơ sài, đơn giản. Làm như thế dễ khiến khán giả trẻ hiểu sai về một loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng, độc đáo, sang trọng. Cách quảng bá cải lương hời hợt như thế khác nào là lưỡi dao góp phần từ từ giết chết cải lương?”.

---------------
Bài tiếp theo: Xây nền móng từ nền móng

Tin cùng chuyên mục