1 luật sửa 10 luật

Dự án 1 luật sửa 10 luật liên quan đến đầu tư kinh doanh đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện, dự kiến sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc lâu nay. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. 
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hiện rất thấp
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hiện rất thấp

Đáng lưu ý, trong số các đạo luật sẽ được sửa đổi nêu trên có những dự án luật sẽ góp phần cải thiện đáng kể tiến độ và chất lượng đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn ODA.

Đây là mục tiêu quan trọng đã được Chính phủ xác định như “đòn bẩy” cho nền kinh tế. Chính vì thế, ngày 16-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thực tế, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến nay khá ì ạch, đến ngày 31-7 mới đạt 36,71% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Với Luật Đầu tư công, điều 1 dự thảo luật nêu trên dự kiến sửa đổi theo hướng trao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với “dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài” cho người đứng đầu cơ quan chủ quản để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý (thẩm quyền này hiện thuộc Thủ tướng Chính phủ).

Bổ sung vào điều 33 Luật Đầu tư công quy định “Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”. Cùng có liên quan mật thiết đến các dự án ODA, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, điều 2 dự thảo luật này quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với “dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”. Dự thảo đồng thời phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Những nội dung sửa đổi quan trọng nêu trên được kỳ vọng sẽ giúp các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nâng cao tính chủ động quyết định về các dự án ODA, tăng khả năng hoàn thành đúng thời hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Sẽ không thừa khi nói thêm rằng nhiều thẩm quyền hơn, chủ động hơn phải đi liền với tăng tính trách nhiệm, thể hiện qua giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, sâu sát hơn. ODA là vốn vay, vì vậy việc để tồn đọng sẽ “đắt đỏ” hơn, làm hao tổn nguồn lực của đất nước - vốn đang rất eo hẹp vì phải thu ít, chi nhiều.

Tin cùng chuyên mục