Zalo đi đánh xứ người

Tại thị trường trong nước, Zalo đã có trên 70 triệu người dùng. 
Như vậy, kể từ khi đạt 50 triệu thành viên vào tháng 4-2016, ứng dụng này chỉ mất 10 tháng để có thêm 20 triệu người dùng. Nhưng đưa sản phẩm này đi nước ngoài là câu chuyện cần nói ở đây.  Đầu năm 2016, lần đầu tiên đặt chân xuống Yangon (thủ đô cũ của Myanmar) trong chuyến du lịch cá nhân cùng gia đình, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, đã nhận ra đây là thị trường nhiều tiềm năng. Khi về TPHCM, ông Khải quyết định cử đội ngũ Zalo sang Myanmar tìm hiểu về khả năng phát triển sản phẩm ở thị trường này. Khi khảo sát, đội ngũ Zalo “tá hỏa” khi biết tại Myanmar, Facebook đã phổ biến đến mức người dân mặc định mạng xã hội này chính là Internet. Riêng ở mảng OTT, Viber ở vị trí dẫn đầu, còn Line, Wechat, Beetalk đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần.  Trong nỗ lực để đưa sản phẩm ra nước ngoài, đội ngũ kỹ sư của Zalo đã liên tục sang nước sở tại để tìm hiểu về hành vi người dùng và đầu tư xây dựng hạ tầng tại đây. Myanmar - thị trường đầu tiên của Zalo ở sân chơi quốc tế - là mảnh đất tiềm năng với 52 triệu dân và đang ở giai đoạn mở cửa. Công nghệ phát triển nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và điện thoại smartphone phổ biến là các dòng máy giá rẻ. Về những điểm này, Myanmar khá giống với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012. Zalo đã thiết lập máy chủ riêng cho thị trường Myanmar và từng bước tối ưu sản phẩm để có thể chạy tốt trên các thiết bị phổ biến. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết bài toán này ở Việt Nam, các kỹ sư Zalo vẫn rất thận trọng, bởi đây là lần đầu tiên họ bước ra thế giới. Bất cứ sự thay đổi nào của sản phẩm cũng được cân nhắc kỹ càng, dựa trên những phân tích số liệu phức tạp và các cuộc thảo luận kéo dài.
Tại Việt Nam, Zalo được ứng dụng trong hoạt động của nhiều cơ quan nhà nước và đang phát huy hiệu quả trong việc tương tác với người dân. Điển hình như Tổng công ty Điện lực TPHCM với dịch vụ tra cứu và thanh toán tiền điện, Bộ Y tế với sổ tiêm chủng và cung cấp thông tin cải thiện sức khỏe, Tổng đài Hành chính công Đà Nẵng, quản lý công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Đồng Nai…
Đến thời điểm hiện tại, cột mốc 2 triệu người dùng đầu tiên tại Myanmar là một bước tiến trong đầu tư nước ngoài của Zalo. Theo đánh giá của giới công nghệ Myanmar, sở dĩ ứng dụng Việt được ưa thích là nhờ khả năng kết nối nhanh, ổn định; bên cạnh các điểm cộng khác như ứng dụng hỗ trợ ngôn ngữ và nội dung địa phương. “Con số 2 triệu thành viên ở Myanmar còn khiêm tốn, nhưng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục theo đuổi khát vọng của mình”, ông Vương Quang Khải, người sáng lập Zalo, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục