Ý thức kém, vi phạm luật giao thông nhiều

Không ít sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua đã phần nào cho thấy sự hạn chế hoặc thiếu ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông.

 

Xe cơ giới lưu thông đúng phần đường và giữ khoảng cách an toàn sẽ đảm bảo an toàn giao thông Ảnh: HUY ANH
Xe cơ giới lưu thông đúng phần đường và giữ khoảng cách an toàn sẽ đảm bảo an toàn giao thông Ảnh: HUY ANH

Thực trạng đáng báo động

Một trong những vụ việc mới đây được dư luận nói đến nhiều là sự cố sập giàn giáo thi công cầu vượt đoạn trước cửa hầm vượt sông Sài Gòn. Rạng sáng 15-10, một xe tải chở cam chạy trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ quận 1 sang quận 2, đã va vào hệ thống giàn giáo thi công cầu vượt, đoạn cách cửa hầm Thủ Thiêm 50m. Vụ va chạm đã khiến nhiều khối thép, mái tôn bảo vệ an toàn thi công bị sập, chắn ngang lối vào hầm. Hệ quả làm giao thông trên nhiều tuyến đường lân cận như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Mai Chí Thọ... rối loạn do nhu cầu đi lại tăng cao vào buổi sáng đầu tuần. Suốt nhiều giờ sau đó, hàng chục ngàn xe máy, ô tô kẹt cứng, nhích từng chút một. Dòng xe từ khu vực cửa ngõ phía Đông vào trung tâm thành phố qua hầm Thủ Thiêm phải đổi hướng di chuyển về cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh.

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Thế nhưng dù kết quả điều tra thế nào, chắc chắn nguyên nhân dẫn tới va chạm giữa xe tải và giàn giáo thi công cầu vượt cũng chỉ rơi vào 2 tình huống, hoặc là xe tải đã tự ý cơi nới chiều cao vượt quá mức an toàn quy định, hoặc là giàn giáo thi công cầu vượt vì lý do gì đó đã thấp hơn quy chuẩn cho phép. Khi đến trình diện cơ quan chức năng, tài xế xe tải khẳng định chiều cao xe là 4m và trước khi vào hầm, xe tải cũng đã vượt qua 2 thanh barie giới hạn chiều cao ở mức 4,2m mà không va chạm với thanh barie cảnh báo đó.

Giả sử nguyên nhân là do giàn giáo bị đơn vị thi công dựng lên thấp hơn mức yêu cầu hoặc giàn giáo vì lý do gì đó bị xệ xuống nhưng đơn vị thi công chưa phát hiện, thì lẽ ra tài xế xe tải phải quan sát thấy sự bất thường và nhận ra nguy cơ va chạm với giàn giáo khi xe chạy đến gần. Nói cách khác, trong trường hợp chiều cao xe tải đúng quy định và giàn giáo bị xệ xuống nguy hiểm thì tài xế xe tải cũng đã cho thấy thiếu sự quan sát khi tham gia giao thông.

Trước đó, vào ngày 9-8, tài xế điều khiển xe buýt 53N-3791 chạy trên lộ trình Đại học Nông lâm - Bến xe Chợ Lớn (mã số tuyến 06), khi đang lưu thông hướng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến vòng xoay Cộng Hòa đã chạy ngược chiều lúc rẽ vào đường Nguyễn Văn Cừ để về Bến xe Chợ Lớn. Việc điểu khiển xe buýt chạy ngược chiều trên đường phố không những gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của ngành xe buýt công cộng. Mặc dù không xảy ra tai nạn do hành vi chạy ngược chiều và gần như ngay sau đó doanh nghiệp xe buýt đã lập tức buộc thôi việc đối với lái xe vi phạm, nhưng ảnh hưởng của vụ việc sẽ phải mất rất nhiều công sức, thời gian để xóa nhòa.

Một dẫn chứng khác, vào cuối năm 2017, tại trạm xe buýt gần chợ Bờ Ngựa, có đôi nam nữ bước lên xe buýt 53N-4301 chạy trên lộ trình Bến Thành - Bến xe miền Tây (mã số tuyến 102, do Công ty TNHH Vận tải TPHCM đảm nhiệm khai thác) và 2 hành khách này liên tục mở cửa sổ bất kể xe buýt đang chạy và bật máy điều hòa, cũng như nam tiếp viên xe buýt nhiều lần nhắc nhở. Thậm chí, khi đôi nam nữ hành khách này phớt lờ lời nhắc nhở, tiếp viên xe buýt đã phải đến gần tự tay đóng cửa kính lại. Không nhận thức được hành vi sai trái của bản thân, đôi hành khách này còn ngang ngược to tiếng với tiếp viên. Vấn đề bị đẩy đi xa hơn khi nữ hành khách lao tới bóp cổ nam tiếp viên để rồi xảy ra xô xát giữa một bên là nam tiếp viên xe buýt trẻ tuổi và bên kia là cặp đôi nam nữ hành khách. Chưa hết, nữ hành khách tiếp tục bộc lộ sự hung hăng khi cầm một vật nhọn đâm nam tiếp viên lúc cặp đôi này xuống trạm dừng, nhưng nhân viên xe buýt kịp thời né tránh cú đâm mang tính thù hằn vặt vãnh đó. Trong vụ việc này, rõ ràng hành khách đã không biết hoặc biết nhưng không chấp hành quy định hành khách không được mở cửa kính sổ khi xe buýt đang lưu thông và bật máy lạnh.

Nguyên nhân do đâu?

Những hành vi vi phạm luật giao thông hoặc gây nguy cơ mất an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn có nhiều dáng vẻ mà người đi đường dễ dàng kiểm chứng ở nhiều nơi. Đó là những hình ảnh người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ tại giao lộ khi không có cảnh sát giao thông đứng chốt, chạy xe lên vỉa hè, chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe thô sơ trên đường phố, người đi bộ vô tư băng qua đường ở “mọi lúc mọi nơi” chứ không đi đúng vào vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường…

Ý thức chưa cao của người tham gia giao thông là điều được ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, nhiều lần nhắc đến. Khi phân tích về các vụ tai nạn giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh rằng có nhiều nguyên nhân gây ra mà nguyên nhân đáng kể đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ, của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao. Nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhân mạng nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân như lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Trên tất cả, có đến hơn 92% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết thêm, trước tình hình này, Ban An toàn giao thông TPHCM xác định sẽ có thêm nhiều chú trọng tới công tác làm chuyển biến ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Để làm được điều này, rất cần có sự tham gia đồng loạt của nhiều đơn vị chức năng chứ không riêng gì Ban An toàn giao thông TP. Lực lượng đó sẽ bao gồm các ban an toàn giao thông quận, huyện, Thành đoàn TPHCM, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông….

Tin cùng chuyên mục