Xuyên tết đi biển Trường Sa

Những ngày kề cận Tết Nguyên đán, vẫn có hàng ngàn ngư dân ven biển miền Trung đến ngư trường biển Trường Sa để đánh cá “xuyên tết”. Với ngư dân, đó không chỉ là truyền thống bao đời nay, mà sự hiện diện của họ trên các vùng biển còn góp phần giữ yên biển đảo quê hương.
Xuyên tết đi biển Trường Sa

Những ngày kề cận Tết Nguyên đán, vẫn có hàng ngàn ngư dân ven biển miền Trung đến ngư trường biển Trường Sa để đánh cá “xuyên tết”. Với ngư dân, đó không chỉ là truyền thống bao đời nay, mà sự hiện diện của họ trên các vùng biển còn góp phần giữ yên biển đảo quê hương.

Nhộn nhịp ngày xuyên tết

Đã đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều cảng cá, bến tàu tại các tỉnh Nam Trung bộ vẫn nhộn nhịp cảnh ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm để xuất bến. Với nhiều người, chuyện đi biển trong dịp tết là điều lạ, nhưng cư dân miền biển xem đó là bình thường, bởi nó trở thành nét truyền thống từ xưa đến nay. Tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), một trong những cảng cá sầm uất nhất ở Nam Trung bộ, tàu cá của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định đang tất bật chuẩn bị đá lạnh đầy khoang để ra khơi. Đây là các tàu cá đánh bắt xa bờ, hành nghề câu cá ngừ đại dương, hoặc nghề lưới vây, lưới cản đánh bắt cá ngừ sọc dưa, cá thu, cá cam, cá cày… ở ngư trường Trường Sa. Ngoài các thực phẩm truyền thống, chuyến biển này các ngư dân còn mang theo nhiều thực phẩm “đặc biệt” như: hoa tươi, mứt, gà, vịt… để ăn tết trên biển. Ngư dân Đông Hữu Tâm, thuyền trưởng tàu cá TS 69037 ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, trong đời đi biển suốt 20 năm của mình, ông chưa một lần ăn tết ở nhà. Chuyến biển này, tàu ông Tâm lấy 1.200 cây đá lạnh, 6.000 lít dầu để vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương ở biển Trường Sa.

Một tàu cá nhổ neo đi biển ngày tết

Không chỉ có những tàu đánh cá xa bờ mới đi biển trong dịp Tết Nguyên đán, mà những tàu cá đánh bắt cá vùng lộng, cách bờ khoảng 20 hải lý cũng nô nức chuyến biển trong tết. Tại cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) - nơi nổi tiếng với hàng trăm tàu cá hành nghề biển ở các vùng lộng cũng tấp nập cảnh ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm. Tại cảng cá này, hàng chục máy xay đá hoạt động hết công suất vì nhu cầu lấy đá của các tàu cá nhiều hơn so với mọi năm. Dân biển vùng lộng thường đi biển 7-10 ngày, chủ yếu đánh bắt cá ngừ sọc dưa, cá ồ, cá bò. Theo Ban quản lý cảng cá Đá Bạc, ngư dân đi biển vùng lộng thường đi ngắn ngày, thu nhập cao nhất là các chuyến biển cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, do những ngày cuối năm mưa bão liên miên, dân vùng lộng thất thu. Vậy nên, dịp này có đến 80% tàu thuyền vùng lộng của Cam Ranh đi biển xuyên tết. Anh Nguyễn Anh Tuấn, một ngư dân phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh cho hay, tàu anh có 10 ngư dân, chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Chuyến biển này tàu anh sẽ đi biển trong vòng 8 ngày, để kịp về bán cá trong ngày khai chợ đầu xuân.

Đón tết trên biển Trường Sa

Theo các ngư dân, đời làm nghề biển vốn đánh bắt quanh năm, ít khi có dịp nghỉ ngơi, kể cả dịp Tết Nguyên đán. Họ chia sẻ, việc đón tết của ngư dân trên biển cũng tương tự như ở đất liền, bốn bể đều là nhà. Thuyền trưởng tàu cá KH-96778-TS ông Nguyễn Tấn Lầu (58 tuổi, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) cho biết, cũng như các tàu cá đánh bắt “xuyên Tết Nguyên đán”, tàu ông cũng mang thêm 7 con gà, 5 con vịt, 1 đầu heo, 10 thùng bia… để cúng đầu năm. Ngư dân quan niệm rằng, việc cúng đầu năm là nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, cả năm đánh bắt thuận lợi, tôm cá đầy khoang. “Đêm cuối năm thì anh em được nghỉ ngơi để đón giao thừa, nghe chúc tết trên đài. Đến 7 hoặc 8 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, các tàu sẽ cúng đầu năm và tiếp tục đánh bắt cá. Lúc hoàng hôn xuống chính là lúc rảnh rỗi nhất trong một ngày đánh cá, chủ 3-4 tàu cá xúm nhau lại cùng mở bia khai xuân. Đây là những tàu cá ngày thường hay xuất bến cùng nhau, đánh bắt cùng ngư trường, cùng loại cá. Dịp này, các chủ tàu và ngư dân cùng đánh giá lại một năm đánh cá, xem cái gì được, cái gì phối hợp chưa tốt để rút kinh nghiệm”, ông Lầu cho biết.

Những ngày tết xa nhà, ai mà không nhớ người thân, nhớ mái ấm chung, nhưng với ngư dân, dường như nỗi nhớ ấy đã thành quen. Ngư dân Nguyễn Văn Huy (phường Xương Huân, TP Nha Trang) tâm sự: “Tôi đón tết trên biển Trường Sa đã 15 năm nay. Trong nhiều năm chứng kiến khoảnh khắc đón giao thừa trên biển, ai cũng nhớ đến vợ, con, nhớ người thân, nhưng đối với ngư dân chúng tôi, đã theo nghiệp biển thì phải bám biển. Đón tết trên biển hoài rồi cũng thành quen. Mà ngày có nhiều tàu đón tết trên biển, thấy cũng đông vui. Có tàu đánh bắt cá ở gần các đảo của Trường Sa, họ tranh thủ lên đảo đón tết với chiến sĩ, với dân đảo”.

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, năm nay lượng tàu đi biển dịp Tết Nguyên đán nhiều hơn mọi năm. Ghi nhận tại cảng Hòn Rớ, đến thời điểm này có khoảng 150 tàu đi biển xuyên tết, chủ yếu là ngư dân Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi hành nghề cá ngừ đại dương tại biển Trường Sa. Thông thường, ngư dân đi biển dịp tết sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá hơn bởi ít tàu thuyền đánh bắt, ngư trường mênh mông. Vì nhiều khả năng đánh bắt được nhiều cá, nên ngư dân chọn đây là chuyến mở biển đầu năm, mong cả năm đánh bắt suôn sẻ, đầy ắp hải sản.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục