Xúc tiến trái cây vùng miền

Trái cây của các tỉnh phía Bắc chưa xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam và ngược lại. Để trái cây đặc sản vùng miền có thể đến nhiều thị trường các tỉnh thì vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cần phải liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Sản xuất nhỏ lẻ, địa hình khó khăn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích cây ăn quả các tỉnh miền Bắc năm 2018 ước đạt 393.000ha, chiếm 39,73% so cả nước. Tổng diện tích chứng nhận VietGAP cây ăn quả trên phạm vi cả nước khoảng 18.500ha; trong đó các tỉnh miền Bắc có hơn 7.900ha, tập trung vào các loại quả chủ yếu: cam, vải, nhãn, xoài, ổi…

Nhìn chung, tổng diện tích chứng nhận VietGAP hiện còn rất thấp, mới đạt gần 2% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. 

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Đại diện Cục Trồng trọt chia sẻ, hạn chế lớn nhất là quy mô nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng.

Thứ hai, vùng phía Bắc có nhiều khó khăn so cả nước do độ dốc cao, địa hình chia cắt mạnh; mùa mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn thường gây xói mòn, lũ quét; mùa khô lượng bốc hơi lớn gây khô hạn nặng.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất.

Ngoài yếu tố tự nhiên, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chủ yếu thu gom qua thương lái, nên khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều và giá thành cao.

Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao.

Xúc tiến trái cây vùng miền ảnh 1 Nhãn Đồng Tháp có thể tiếp cận thị trường miền Bắc

Hiện nay, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Rất ít nông dân, HTX ký kết được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Để trái cây vùng miền có thể xuất hiện tại các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của tỉnh. Thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh về sản phẩm.

Tùy thuộc điều kiện, đặc điểm cụ thể, các doanh nghiệp lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện thực tế để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh, quốc gia.

Xây dựng chuỗi liên kết

Để phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, các tỉnh cần thực hiện chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả.

Xuất khẩu là con đường nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản, trái cây Việt, nhưng ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, nhìn nhận: “Các doanh nghiệp và chính quyền địa phương không nên “lơ là” thị trường tiêu dùng trong nước. Để khai thác hiệu quả thị trường trong nước, doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, vùng miền. Đơn cử, xoài Sơn La bắt đầu thu hoạch thì xoài Đồng Tháp hết mùa, hay Sơn La có trái cây ôn đới còn Đồng Tháp có trái cây nhiệt đới”.

Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tạo điều kiện tối ưu để các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm được thị trường, có thêm tiềm lực về vốn, chuyển giao kỹ thuật để hoạt động sản xuất tốt hơn. Song song đó, thị trường và doanh nghiệp phía Bắc rất tiềm năng để tỉnh Đồng Tháp tiếp cận và phát triển.

Tránh trùng lặp các sản phẩm để thị trường tiêu thụ được rộng mở, theo Cục Trồng trọt, mỗi địa phương chọn trái cây chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn.

Song song đó, các tỉnh tăng cường khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng, đầu ra và tín hiệu tích cực từ thị trường. Khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý sau thu hoạch đảm bảo yêu cầu xuất khẩu trái cây tươi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Tổ chức các hiệp hội ngành hàng nhằm tăng cường trao đổi thông tin thị trường, hợp tác sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Liên kết với nông dân vẫn là khâu quan trọng nhất để phát triển thị trường sản phẩm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: “Hiện cả nước có hơn 14.500 HTX nông nghiệp, trong số hơn 50% hoạt động hiệu quả thì chỉ có 24% HTX liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp và dự kiến năm 2025 mới nâng lên 50%. Cho nên, các HTX cần phải liên kết, kết nối đưa các sản phẩm nông sản của các HTX tiêu thụ tại thị trường trong nước là rất cần thiết. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng, đầu tư công nghệ để tạo niềm tin cho nông dân. Song, các HTX cần xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ đó, tạo một cơ chế để làm sao lưu thông hàng hóa nông sản của hai miền Nam - Bắc”.

Tin cùng chuyên mục