Xuất siêu 10 tháng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong 10 tháng qua đạt 202 tỷ USD, nhập khẩu 194,8 tỷ USD, cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa cả nước đạt 7,2 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều so với mức thặng dư 2,11 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, 7 nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh là điện thoại, linh kiện tăng 4,65 tỷ USD; hàng dệt may tăng 3,68 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử tăng 3,33 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 3,12 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 1,33 tỷ USD, máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng 1,34 tỷ USD, giày dép các loại tăng 1,28 tỷ USD.

Những năm gần đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Cụ thể, năm 2008 thâm hụt thương mại cả nước ở mức cao nhất là 18 tỷ USD (bằng 28,8% trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước), nhưng những năm 2009, 2010, mức nhập siêu đã giảm dần ở mức còn gần 13 tỷ USD. Kể từ năm 2012, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thặng dư nhẹ và phát triển thặng dư (chỉ năm 2015 là thâm hụt nhẹ). 

Thị trường xuất siêu của Việt Nam chủ yếu vào các nước châu Mỹ, châu Âu; trong khi thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa với các nước châu Á. Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 28,77 tỷ USD (xuất khẩu đạt 39,42 tỷ USD, nhập khẩu 10,65 tỷ USD). Trước đó, năm 2017 mức xuất siêu sang thị trường này cũng lên tới 32,24 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục