Xu thế tất yếu

Hội nghị Robot Thế giới (WRC) 2018 diễn ra ở Trung Quốc từ ngày 15 đến 19-8 được xem là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp robot toàn cầu, khi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (IR IV) đang ngày càng gắn chặt với sự phát triển của thế giới hiện đại.
Khách tham quan chiêm ngưỡng các sản phẩm được trừng bày. Ảnh: REUTERS
Khách tham quan chiêm ngưỡng các sản phẩm được trừng bày. Ảnh: REUTERS

Với chủ đề “Tạo đà trí tuệ cho một kỷ nguyên mới của cởi mở và lợi ích sẻ chia”, WRC 2018 giới thiệu đến người dùng nhiều công nghệ hiện đại hữu ích khác giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp trên toàn thế giới. Khẩu hiệu trên phản ánh hướng đi và nỗ lực của Bắc Kinh nói riêng nhưng cũng là tâm lý chung của nhiều nền kinh tế thế giới trong việc bắt kịp và đón đầu xu thế tự động hóa và robot hóa, được dự báo sẽ thay đổi diện mạo của thị trường lao động và sản xuất toàn cầu trong thời gian tới, nhờ vào xung lực từ IR IV.

Báo cáo Đổi mới Toàn cầu 2018 của General Electric thu thập ý kiến của hơn 4.000 nhà lãnh đạo và những người quan tâm ở 23 quốc gia cho thấy có 70% số người kỳ vọng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 85% tin rằng những đổi mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, 64% sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện đổi mới và chỉ 17% lo ngại về tác động tiêu cực đối với người lao động. Trong khi đó Bank of America Merrill Lynch ước tính trị giá của thị trường robot toàn cầu sẽ tăng từ 26,9 tỷ USD hiện nay lên 66,9 tỷ USD vào năm 2025. 

Ngày càng có nhiều minh chứng cho sự lan rộng của xu hướng robot hóa, tự động hóa. Theo Business Insider, Hàn Quốc có mật độ robot cao nhất khi triển khai khoảng 631 robot công nghiệp/10.000 lao động, chủ yếu trong các hệ thống lớn về lĩnh vực điện tử và sản xuất chế tạo. Singapore xếp thứ 2 với tỷ lệ 488 robot/10.0000 lao động, trong đó 90% robot hoạt động trong lĩnh vực điện tử. Đức và Nhật Bản, cùng xếp vị trí thứ 3 với mật độ hơn 300 robot/10.000 lao động.

Chưa kể, Nhật Bản còn chiếm tới 52% nguồn cung robot toàn cầu. Tại Mỹ, tốc độ tự động hóa công nghiệp dường như đang diễn ra chậm hơn với tỷ lệ 189 robot/10.000 lao động. Trong khi đó, Trung Quốc dù chưa thể cạnh tranh với các cường quốc khi chỉ xếp thứ 14 về mật độ robot hóa song là một trong những nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trung Quốc cũng đang có tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tự động hóa. Mục tiêu của nước này cho đến năm 2020 là lọt vào tốp 10 quốc gia dẫn đầu và tiếp tục tăng trưởng. 

Cơn lốc robot hóa có thể phá vỡ thị trường lao động, khi robot với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, không chỉ lao động chân tay mà cả những vị trí trong văn phòng. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội không vững chắc sẽ chịu tác động lớn khi hàng triệu lao động trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp, từ đó kéo theo những bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng các dự đoán về việc robot “cướp” công ăn việc làm của con người là phóng đại. Nhiều công việc cần đến sự pha trộn của nhiều kỹ năng, tính sáng tạo và linh hoạt sẽ không dễ dàng có đất cho tự động hóa khi đòi hỏi đến một kiểu chuyên môn không thể dễ dàng mã hóa. Mặt khác, công nghệ càng phát triển lại tạo ra những cơ hội việc làm mới chất lượng cao, ví dụ như bảo hành, bảo dưỡng robot. Dù kịch bản của tương lai thế nào, một thực tế không thể tranh cãi là làn sóng robot hóa và tự động hóa đã, đang và sẽ tiếp tục tiến đến như một xu thế không thể đảo ngược của thời đại. 

Tin cùng chuyên mục