Xử lý vi phạm xây dựng ở TPHCM còn nhiều vướng mắc

Việc xử lý vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn gặp nhiều bất cập, khó khăn, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa ngày càng phức tạp.

Tại cuộc họp về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM năm 2018 vào chiều 28-11, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện tổng số 2.942 trường hợp vi phạm, giảm 488 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xây dựng sai phép là 1.082 trường hợp, giảm 52 trường hợp. Vi phạm tập trung nhiều ở các quận như 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân. Về xây dựng không phép là 1.008 trường hợp, giảm 650 trường hợp. Vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện gồm: 9, Bình Tân, Củ Chi, Bình Thạnh.

Việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng hiện gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 139/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng chỉ quy định xử phạt hành vi vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực đô thị, không quy định xử phạt hành vi vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn. Do đó, việc xử lý vi phạm xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn gặp nhiều bất cập, khó khăn, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn… ngày càng phức tạp. Các địa phương thực hiện xử lý vi phạm xây dựng mỗi nơi một kiểu.

Thêm một vướng mắc nữa được Sở Xây dựng đưa ra là Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng; Nghị định số 139/2017 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018 của Bộ Xây dựng không quy định việc đình chỉ thi công công trình xây dựng. Do đó, trong thực tế, khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng, tăng diện tích vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc cưỡng chế và xử lý vi phạm.

Mặt khác, đối với hành vi xây dựng sai phép, không phép mà đang thi công thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, thời gian xử lý các công trình kéo dài, lại không quy định các biện pháp ngừng thi công cụ thể  như ngừng cung cấp điện, nước nên khi ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và thời điểm tiến hành tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Để khắc phục những bất cập trên, Sở Xây dựng TP kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP giao các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Liên quan đến việc xử lý vi phạm xây dựng tại khu dân cư nông thôn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn cụ thể, gửi cho các địa phương để các quận - huyện xử lý một cách thống nhất, tránh việc mỗi nơi xử lý một kiểu dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng ngày càng phức tạp.

Tin cùng chuyên mục