Xử lý nạn xâm lấn sông rạch: Giơ cao đánh khẽ

Xử chưa xong, đã lấn thêm
Xử lý nạn xâm lấn sông rạch: Giơ cao đánh khẽ

Mặc dù UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện khẩn trương, quyết liệt xử lý các vụ xâm lấn sông rạch, nhưng ở một số nơi các trường hợp vi phạm vẫn chưa bị xử lý đến nơi đến chốn.

Một công trình trái phép được xây dựng kiên cố ở rạch Ông Dầu.

Một công trình trái phép được xây dựng kiên cố ở rạch Ông Dầu.

Xử chưa xong, đã lấn thêm

Thực tế nạn lấn chiếm, san lấp sông rạch không giảm mà có chiều hướng tăng thêm. Dọc theo bờ sông Trau Trảu (phường Trường Thạnh, quận 9), Công ty Nhị Hiệp tự tiện đóng cừ lấn sông, xây dựng tường bao kiên cố dài cả trăm mét, rồi xây dựng nhà xưởng kiên cố ngay trên phần đất lấn chiếm, vốn là hành lang sông. Hàng trăm mét vuông đất công ở hành lang sông đã bị biến thành đất tư. Không chỉ người dân mà chính quyền phường cũng rất bức xúc trước hành vi xem thường luật pháp của đơn vị này.

Trong khi những vụ lấn sông rạch cũ chưa được xử lý, nhiều vụ mới lại xuất hiện. Cách cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) không xa, ngay trên con rạch cầu Ông Dầu (khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước) có một công trình mới xây dựng bằng bê tông cốt thép với chiều dài chừng 30m, lấn ra mặt nước 5m. Người dân ở đây bức xúc: Vì sao công trình có quy mô lớn bằng bê tông được xây dựng công khai trước mắt mọi người nhưng chính quyền địa phương lại không thấy, ngăn chặn và xử lý? Cũng trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, tại khu phố 2, một đoạn sông Vĩnh Bình đã bị biến thành cảng sông nội địa. Để thuận tiện cho tàu bè vào ra, chủ bến đã đóng kè, kiên cố hóa đoạn sông. Một cảng sông quy mô đã hình thành và sông Vĩnh Bình đang hẹp dần.

Ở nội thành, nạn lấn chiếm sông rạch còn diễn ra bền bỉ, tinh vi hơn. Ngay gần cửa rạch Xuyên Tâm, cạnh cầu Bình Triệu (phường 26, quận Bình Thạnh) từ nhiều năm nay đã hình thành bãi xe ngay trên diện tích lấn chiếm con rạch. Ban đầu, chủ bãi đổ xà bần lấn rạch để làm chỗ đậu xe cho gia đình, với quy mô 2 - 3 chiếc. Tiếp theo đó, cứ đêm đến, chủ bãi xe chở đất đá đổ lấn thêm ra. Vài năm sau, từ chỗ bãi xe chỉ có sức chứa 2 - 3 chiếc, nay đã tăng lên hàng chục chiếc xe tải, xe khách loại lớn. Không dừng lại ở đó, hiện nay chủ bãi xe này vẫn đang tiếp tục đổ đất lấn dần rạch. Điều đáng nói là từ đầu năm 2008, người dân địa phương đã phát hiện, báo cáo với chính quyền về việc chủ bãi xe tự tiện san lấp rạch Xuyên Tâm, nhưng mãi đến tháng 4-2008, quận Bình Thạnh mới lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ bãi xe nạo vét phần đất đã san lấp trái phép trả lại 3m² mặt nước con rạch. Người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt mà còn lấn thêm. Sau hơn 5 năm, quận Bình Thạnh đã 3 lần ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ bãi xe nạo vét, khôi phục nguyên trạng mặt nước con rạch, nhưng các quyết định xử lý chỉ nằm trên giấy. Do chính quyền xử lý không nghiêm nên sau nhiều lần xử phạt đến nay, diện tích lấn chiếm đã lên trên 120m².

TP quyết liệt, địa phương đủng đỉnh

Sông rạch bị san lấp trái phép làm thu hẹp dòng chảy, góp phần gây ngập nước đô thị mỗi khi mưa hay triều cường. Hậu quả ngày càng trầm trọng, không chỉ ở khu vực nội thành mà cả ngoại thành, vùng ven, mỗi khi mưa thường bị ngập nước sâu, kéo dài. Để ngăn ngừa và xử lý các vụ lấn chiếm sông rạch, UBND TPHCM đã chỉ đạo xử lý nghiêm, không để phát sinh các vụ san lấp, lấn sông mới. Thế nhưng qua những vụ việc nêu trên cho thấy việc thực hiện kiểm tra, xử lý tại một số quận - huyện lại “đủng đỉnh”, kém hiệu lực.

Đối với Công ty Nhị Hiệp, khi phát hiện công ty này xây dựng nhà xưởng lấn chiếm sông rạch, từ năm 2008, quận 9 đã lập biên bản và quyết định xử phạt hành chính buộc tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hành lang kênh rạch. Các quyết định xử phạt hành chính của quận 9 đã không được thực hiện. Trước vụ việc bức xúc này, năm 2010, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh kiểm tra làm rõ và đã có kiến nghị quận 9 nghiêm túc triển khai thực hiện các quyết định xử phạt hành chính đã ban hành. Thế nhưng, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND TPHCM vẫn chưa được thực hiện, những công trình lấn sông tiếp tục tồn tại.

Người dân khu phố 6 phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) cho biết, khi phát hiện có công trình xây dựng lấn rạch, cán bộ phường có đến hiện trường kiểm tra. Vậy nhưng, không biết vì sao công trình vẫn được tiếp tục xây dựng cho đến ngày hoàn thiện. Dư luận cho rằng, những trường hợp vi phạm như vậy không phải là do chính quyền địa phương không có năng lực ngăn chặn, mà là do có dấu hiệu bao che, dung dưỡng cho sai phạm. Nếu cứ xử lý theo kiểu giơ cao đánh khẽ như hiện nay, tình trạng san lấp lấn chiếm sông rạch sẽ còn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng.

NGUYỄN HIỀN

Tin cùng chuyên mục