Xử lý dứt điểm “nhà container”

Thời gian qua, tại TPHCM xuất hiện nhiều “nhà container” được người sử dụng biến thành nơi để ở, cửa hàng kinh doanh, quán bán nước giải khát, kho chứa hàng...

 


Một trường hợp cải tạo container thành nhà bếp của quán cà phê tại huyện Bình Chánh Ảnh: An Yên
Một trường hợp cải tạo container thành nhà bếp của quán cà phê tại huyện Bình Chánh Ảnh: An Yên
UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn xử lý dứt điểm các trường hợp lắp đặt container không đúng nơi quy định; kiên quyết ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu đối với các trường hợp thi công, lắp đặt container làm nhà ở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh, quán nước giải khát, kho chứa hàng… không đúng quy định, kể cả công trình có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu chịu lực chính bằng cách tạo dựng nhà từ việc hoán cải những thùng container; không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các hộ lắp đặt container trái phép.
Biến tướng 

Thời gian qua, tại TPHCM xuất hiện nhiều “nhà container” được người sử dụng biến thành nơi để ở, cửa hàng kinh doanh, quán bán nước giải khát, kho chứa hàng... Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP, sau khi kiểm tra, sở phát hiện 165 công trình container tại 13 quận - huyện trên địa bàn TP được người dân chuyển đổi và sử dụng với các công năng nêu trên. Trong đó, hơn 150 công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong số này có 17 công trình được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã thay đổi kết cấu chịu lực, 134 công trình không có giấy phép xây dựng, lắp đặt trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, vi phạm hành lang kỹ thuật…  Các công trình sai phạm tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (65 công trình), tiếp đến là quận Bình Tân (37 công trình) và quận Thủ Đức (18 công trình).

Thực tế, có nhiều trường hợp người dân gửi đơn khiếu kiện khi bị chính quyền địa phương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị và cưỡng chế tháo dỡ các công trình container vì họ cho rằng, việc lắp đặt thùng container không thuộc hoạt động xây dựng, thùng container không gắn liền với đất thì không phải là bất động sản; việc cải tạo container tạo thành chỗ ở, tiệm hớt tóc hoặc nơi buôn bán không phải là công trình xây dựng.

Trao đổi với một Thanh tra xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) về việc này, vị này cho biết, tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18-6-2014 quy định: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước; được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”. Căn cứ vào các điều khoản này có thể khẳng định, công trình container tồn tại trên đất đang sử dụng không phải thùng container đơn thuần là phương tiện chứa hàng, thậm chí còn được người sử dụng cải tạo, trổ cửa, lắp mái ngói và các thiết bị điện nước, đặc biệt có người ở bên trong… Qua kiểm tra cho thấy, một số trường hợp xây dựng công trình dân dụng nhưng không được chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cụ thể ở đây là xây dựng trên đất nông nghiệp. Do đó, việc UBND các quận - huyện ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình “nhà container” là hợp lý, đúng với quy định của pháp luật.  

Phải có giấy phép xây dựng

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những công trình container này. Theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành xây dựng, Luật Xây dựng 2014 quy định công trình xây dựng phải được liên kết định vị với đất và được xây dựng theo thiết kế. Do đó, nhà ở bằng container có thể di chuyển được thì không phải là công trình xây dựng. Theo vị này, Luật Xây dựng 2014 chưa đề cập đến những loại công trình như “nhà container” cố định hoặc di động, nên đây là một lỗ hổng pháp lý gây khó cho việc quản lý và cả người sử dụng. “Nên quy định cấp phép đặt công trình tạm đối với container và công trình này phải đảm bảo các quy định về đô thị, môi trường”, vị này nói. Ý kiến từ một luật sư khác cũng cho rằng, từ các quy định của Luật Xây dựng, “nhà container” là một dạng biến tướng của nhà ở nhưng không được xem là công trình xây dựng do không được liên kết định vị với mặt đất, điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận hình thức nhà ở được làm từ container.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM khẳng định, container dùng cho mục đích chứa hàng hóa và vận chuyển hàng hóa thì không phải là công trình xây dựng. Nhưng nếu container được cải tạo, lắp đặt các thiết bị làm nhà ở hoặc văn phòng sẽ được xác định là công trình xây dựng. Do vậy, phải tuân theo các quy định của pháp luật về công trình xây dựng. Cụ thể, nếu làm nhà container không thuộc đất xây dựng, không có giấy phép xây dựng của UBND quận - huyện cấp thì sẽ bị cơ quan chức năng cưỡng chế theo đúng quy định. Người dân muốn đặt container làm nhà ở hoặc văn phòng trên đất có chủ quyền và thuộc đất xây dựng thì phải có giấy phép xây dựng như một công trình bình thường. 

Tin cùng chuyên mục