Xử lý chưa nghiêm việc san lấp sông rạch

Khi bị xử phạt hành chính về hành vi san lấp sông rạch trái phép, đối tượng vi phạm bị phạt tiền và bị buộc khôi phục nguyên trạng để thông dòng chảy. Thế nhưng, trong thực tế, biện pháp buộc khôi phục nguyên trạng không được chấp hành nghiêm chỉnh.
Xử lý chưa nghiêm việc san lấp sông rạch

Khi bị xử phạt hành chính về hành vi san lấp sông rạch trái phép, đối tượng vi phạm bị phạt tiền và bị buộc khôi phục nguyên trạng để thông dòng chảy. Thế nhưng, trong thực tế, biện pháp buộc khôi phục nguyên trạng không được chấp hành nghiêm chỉnh.

Khắc phục chiếu lệ

Thời gian qua, tại TPHCM xảy ra tình trạng san lấp sông rạch trái phép khiến dòng chảy bị thu hẹp, bít đường thoát nước, làm nhiều khu dân cư bị ngập nước khi mưa, triều cường. Nhiều vụ san lấp sông rạch quy mô lớn đã bị phát hiện, xử phạt hành chính, buộc khôi phục nguyên trạng, như vụ ông Nguyễn Phước Đông đổ hàng trăm mét khối bùn lấn rạch dọc đường Đào Trí (khu phố 4, phường Phú Mỹ, quận 7); Công ty TNHH MTV Vạn Khánh Lộc đổ đất san lấp rạch (khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7); Công ty TNHH Riviera Point đóng cừ bê tông lấn hàng ngàn mét vuông mặt nước rạch Cả Cấm (khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7); vụ lấp rạch tại khu C kho xăng Nhà Bè và tại dự án Sài Gòn Mới (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè)…

Bị buộc khôi phục nguyên trạng dòng chảy con rạch rộng 5m, nhưng Công ty Vạn Khánh Lộc chỉ đào một mương nước nhỏ

Điều dễ thấy khi trở lại các điểm san lấp rạch trái phép là mặc dù bị lập biên bản, xử phạt hành chính, buộc khôi phục nguyên trạng để thông dòng chảy nhưng các đối tượng vi phạm không chấp hành, hoặc chỉ thực hiện chiếu lệ. Con rạch thoát nước ở phường Tân Hưng vốn rộng chừng 5m đã bị Công ty Vạn Khánh Lộc lấp bằng một núi đất bùn. Vậy mà sau khi bị UBND TPHCM xử phạt, buộc khôi phục nguyên trạng dòng chảy, công ty này chỉ khơi một lối thoát nước nhỏ rộng chừng 0,5m. Người dân ở khu vực này cho hay, lối thoát nước quá nhỏ, đào giữa núi đất bùn cao quá đầu người, khi trời mưa, đất nhão lại chảy xuống san bằng, tái diễn nạn ngập nước khu dân cư do nghẽn dòng chảy. Vụ đổ đất bùn lấn bờ sông dọc đường Đào Trí cũng vậy, sau khi bị buộc khôi phục nguyên trạng, người vi phạm vẫn để cả núi đất bùn ở đó, chưa di dời. Theo nước mưa, núi bùn đang xê dịch chảy dần xuống con rạch. Còn công trình đóng cừ bê tông lấn rạch Cả Cấm vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Phần cừ bê tông thi công đến đâu, đất được đổ lấp đến đó, hàng ngàn mét vuông mặt nước rạch đã bị biến thành đất đô thị.

Thời “tấc đất tấc vàng” nên nhiều người ngang nhiên lấn chiếm, san lấp sông rạch trái phép. Những điểm nóng về san lấp sông rạch như Khu đô thị Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm... đều là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, giá đất có nơi lên đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông. Chính vì thế, khi đã san lấp lấn chiếm, nếu bị phát hiện xử lý, các chủ đất thường không khôi phục dòng chảy, mà chỉ khôi phục chiếu lệ, chây ì. Trong khi đó, việc kiểm tra thi hành quyết định xử phạt không nghiêm túc, càng làm các đối tượng vi phạm xem thường pháp luật, nạn ngập nước do nghẽn dòng chảy càng trầm trọng thêm.  

Không thể thờ ơ trách nhiệm

Quyết định 150/2004 của UBND TPHCM ban hành ngày 9-6-2004 đã quy định việc quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Trong đó đã quy định cụ thể về mốc giới và trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, xử phạt hình vi lấn chiếm sông rạch trái phép. Chính phủ cũng đã ban hành quy định xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm sông rạch. Pháp luật nghiêm cấm những hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông rạch. Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), đối tượng vi phạm phải khôi phục nguyên trạng, trả lại dòng chảy là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế các đối tượng vi phạm chỉ nộp tiền phạt, còn né tránh biện pháp đi kèm là khôi phục nguyên trạng dòng chảy.

Để né tránh việc nạo vét, khôi phục nguyên trạng dòng chảy, đối tượng vi phạm thường đối phó bằng cách đưa ra những biện pháp khắc phục thay thế, như làm cống hộp, xây dựng hồ điều tiết và hoán đổi đất. Thực tế cho thấy, các phương án khắc phục mà đối tượng vi phạm đề xuất chỉ nhằm né tránh và kéo dài thời gian thực hiện quyết định xử phạt. Dòng chảy sông rạch là hệ thống thoát nước tự nhiên, cân bằng và hài hòa. Đô thị hóa sẽ làm tăng diện tích bê tông, nước mưa ít thấm xuống lòng đất, nên mỗi khi trời mưa, nước ồ ạt đổ xuống hệ thống thoát nước, chảy ra sông rạch. Chính vì thế, biện pháp thay kênh rạch bằng cống hộp, làm hồ điều tiết đều phản tác dụng, gây ngập nước ngày thêm trầm trọng.

Hành lang pháp lý để xử phạt, ngăn chặn tình trạng san lấp, lấn chiếm sông rạch trái phép đã tương đối đầy đủ. Vấn đề là các cấp chính quyền cần thực thi nghiêm công tác hậu kiểm, buộc khôi phục nguyên trạng dòng chảy, không thờ ơ, dung túng cho những hành vi san lấp sông rạch trái phép.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục