Xử lý cán bộ nếu kê khai thu nhập, tài sản không trung thực

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).

 
Tư gia của Giám đốc Sở TNMT Yên Bái Phạm Sỹ Quý
Tư gia của Giám đốc Sở TNMT Yên Bái Phạm Sỹ Quý

Báo cáo với Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 (tại báo cáo số 460/BC-CP), Chính phủ cho biết, thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập (MBTSTN), số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 là 1.113.422 người (tăng 10,8% so với năm 2016); đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.

Số bản kê khai đã công khai: 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%). Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).

 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng. Một số địa phương đã trả lại xe: Cà Mau trả lại 2 xe, TP. Đà Nẵng trả lại 1 xe. Có 2 trường hợp ở Bình Thuận và 1 trường hợp ở Lâm Đồng trả lại quà tặng với số tiền 32 triệu đồng. Đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp (ở Đà Nẵng).

Công tác kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử đã được tiến hành tại gần 5.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, phát hiện và xử lý gần 200 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 61,3% so với năm 2016).

Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử khi tiếp xúc giải quyết công việc của người dân. Một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Còn có tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia kinh doanh hoặc để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực do mình trực tiếp quản lý; tình trạng bổ nhiệm, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016; Bộ Tài chính 2 người; Bộ Công an 4 người; Quảng Nam 2 người; Kiên Giang 9 người; An Giang 4 người; Bình Thuận 2 người; Điện Biên: 2 người; Quảng Ngãi 2 người; Hậu Giang 3 người; Tiền Giang 1 người; Thái Nguyên 2 người; Tây Ninh 2 người; Quảng Ngãi 2 người; Ninh Thuận 1 người; Long An 3 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã được chú trọng trong quá trình xử lý tham nhũng, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.

Tin cùng chuyên mục