Xu hướng tiện lợi chi phối sản xuất ngành thực phẩm

Việt Nam là thị trường lớn với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người. Trong đó, xét về cơ cấu thì dân số trẻ Việt Nam chiếm đến hơn 60%. 

Đặc biệt, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện, nên những thị hiếu tiêu dùng sản phẩm thực phẩm liên quan đến sức khỏe cũng tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm đẩy mạnh đầu tư và gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. 

Xu hướng tiện lợi chi phối sản xuất ngành thực phẩm ảnh 1 Nhiều sản phẩm thực phẩm được sơ chế, đóng gói để tiện dụng hơn cho người tiêu dùng

Không ngừng gia tăng số lượng

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… có xu hướng tăng nhanh tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước ngày càng đa dạng, phong phú và mở rộng hơn, Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường đầy hứa hẹn cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu.

Không dừng lại đó, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, trong nước, các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực cũng không ngừng gia tăng số lượng, quy mô sản xuất và mức tăng trưởng của mình. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố, 8 tháng đầu năm 2018, ngành thực phẩm, đồ uống ước tăng 7,32% (cùng kỳ tăng 2,75%). Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,56% (cùng kỳ tăng 3,43%), sản xuất đồ uống tăng 5,15% (cùng kỳ tăng 2,04%). Chỉ số sản xuất ngành lương thực, thực phẩm tăng cao so cùng kỳ do thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng trưởng khá. Trong 8 tháng, doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm ước đạt 75.542 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ; kim ngạch  xuất khẩu ước đạt 118,87 triệu USD, tăng 14,46% so cùng kỳ năm 2017.

Phân tích của Nielsen cũng cho thấy, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm tốt hơn, cao cấp hơn đi kèm với chất lượng nổi bật và đem đến những trải nghiệm đặc biệt. Trên thực tế, người tiêu dùng hiện nay đang tìm kiếm những sản phẩm thực phẩm cung cấp các giá trị mới, có chất lượng tốt và có mẫu mã đẹp, bao bì đặc trưng, tạo sự đột phá.

Một yếu tố khác cũng chi phối hoạt động sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm là sự tiện lợi. Đây tiếp tục là nhu cầu cao của người tiêu dùng tại thị trường thay đổi nhanh chóng và liên tục như Việt Nam. Các cửa hàng định dạng nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini (minimart) đã được mở rộng mạnh mẽ trong 2-3 năm qua để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng về lối sống của người tiêu dùng Việt. Xu hướng này đòi hỏi các cơ sở sản xuất thực phẩm cần phải tập trung hơn trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh để giải quyết được nhu cầu của người tiêu dùng về gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và tiện lợi để mang theo sử dụng trên đường đi.

Kiểm soát chặt thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp 

Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, không dừng lại tiềm năng quy mô thị trường tiêu thụ mà những diễn biến thị trường năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành lương thực, thực phẩm. Năm 2018 được dự báo sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá có tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu... nhưng sẽ được Nhà nước kiểm soát). Còn các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: Thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới biến động khá mạnh; nhu cầu tiêu thụ điện, nước sinh hoạt, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng; ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các biến động về tỷ giá; thời tiết các tháng cuối năm được dự báo tiêu cực khi đã bước vào mùa mưa bão diễn biến bất thường. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch sản xuất, nhất là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. 

Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung giải pháp siết chặt quản lý thị trường, xử lý triệt để tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có thể trà trộn vào thị trường, nhất là trong đợt cao điểm tiêu dùng cuối năm. Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, cụ thể như: Văn bản số 5492/BCT-QLTT về việc chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện hàng hóa nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng quản lý thị trường trong việc triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Công thương giao; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động của quản lý thị trường (xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ); văn bản về việc tham gia ý kiến dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia; các văn bản về việc phối hợp Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, kiểm tra, làm rõ hành vi vi phạm trong hoạt động chương trình khuyến mại; kiểm tra, xử lý mặt hàng đường cát; thông báo các cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm an toàn thực phẩm... 

Theo báo cáo nhanh, tháng 7-2018 lực lượng quản lý thị trường kiểm tra trên 12.500 vụ, phát hiện, xử lý gần 8.100 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 41 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục