Xóa những “điểm đen” giao thông từ gốc

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) chiều 22-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý ngay những “điểm đen” trong công tác bảo đảm ATGT, vì các “điểm đen” này còn nguy hiểm hơn các “điểm đen” trên đường, đó là những tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, khám sức khỏe, cấp phép lái xe, đăng kiểm; những tiêu cực, lợi ích nhóm, nhận hối lộ và bao che sai phạm trong cảnh sát giao thông (CSGT) và cơ quan tố tụng...

 Dư luận hoan nghênh và ghi nhận đây là nội dung chỉ đạo rất thẳng thắn, quyết liệt, sát hợp yêu cầu của tình hình và đáp ứng đúng mong mỏi của nhân dân.

Thực tế cho thấy, những tháng gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do tài xế xe tải, container gây ra vì bất cẩn, chạy ẩu, ngủ gật, lái xe khi đã sử dụng chất kích thích. Cũng có những trường hợp do tài xế xử lý kém, như trong vụ xe tải lật đè chết 5 người ở Hải Dương sáng 23-7, tài xế đã giật mình khi thấy đèn cảnh báo, đánh lái gấp khiến xe tông vào dải phân cách lật đè chết nhiều người. Có thể thấy, việc chứng nhận sức khỏe, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn chưa nghiêm túc đã dẫn đến chuyện có những người chưa lái xe rành rẽ, và chưa thông hiểu Luật Giao thông đường bộ vẫn vô tư lái xe ra đường, dễ gây tai nạn.

Tại nhiều đô thị nước ta đã có những bất cập trong phát triển đô thị - giao thông, bộc lộ những khuyết điểm, chệch hướng trong đầu tư và quy hoạch, chạy theo tăng trưởng nóng, không đồng bộ với các yếu tố hạ tầng kỹ thuật giao thông. Trong khi đó, việc tổ chức giao thông, phân luồng bị động, không khảo sát thấu đáo, thiếu tầm nhìn xa, thiếu khoa học, nên giao thông ngày càng rối, xảy ra ùn tắc và mất an toàn. Có những trường hợp hệ thống báo hiệu giao thông mâu thuẫn, không đồng bộ với nhau, hoặc bị che khuất, gây khó cho người tham gia giao thông. Lẽ ra khi phát hiện những trường hợp như vậy, CSGT đề nghị ngành giao thông chỉnh sửa, thì không ít CSGT lại “tận dụng” để làm cái bẫy phạt người tham gia giao thông.

Người dân dễ thấy có một bộ phận CSGT khi làm nhiệm vụ đã có biểu hiện thiếu trong sáng như núp rình ở những nơi người tham gia giao thông ít để ý, rồi xông ra chặn giữ người vi phạm để nhận tiền lót tay. Thậm chí có những trường hợp tùy tiện dừng xe làm khó để vòi vĩnh tiền mãi lộ. Chính từ nạn “ăn bẩn” trong một bộ phận CSGT đã khiến không ít người điều khiển phương tiện giao thông ngang nhiên vi phạm ATGT, coi thường pháp luật, xem thường tính mạng của người dân, vì đã quen với tâm lý “đưa tiền đút lót là xong ngay”. Thực tế đã chứng minh ở nơi nào CSGT làm tròn trách nhiệm, kiên quyết nói không với tiền lót tay, thì ở đó người tham gia giao thông sẽ phải có ý thức cẩn trọng hơn khi lưu thông trên đường. Vì vậy, ngành CSGT cần chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ một cách quyết liệt và triệt để; nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của CSGT khi làm nhiệm vụ.

Để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, phải kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội trong những vụ án gây TNGT nghiêm trọng. Không thể vì lý do gì để bao che, nương nhẹ với những người cố ý vi phạm ATGT, làm tổn thương sức khỏe và sinh mạng người khác. Điều này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta hoan nghênh kết quả bảo đảm ATGT trong 6 tháng đầu năm 2019 (giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn, người chết, bị thương), nhưng chúng ta nên nhớ rằng còn có 8.000 người chết và đến 15.000 người bị thương, mà “tính mạng con người là trên hết”. Chúng ta phải hết sức quan tâm công việc quan trọng này để xã hội bình yên hơn, giảm đau khổ cho người dân - đó chính là nhiệm vụ nặng nề với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban ATGT các cấp.

Tin cùng chuyên mục