Xét xử vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Thêm nhiều tình tiết bất ngờ

Ngày 18-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét hỏi các bị cáo và những người có liên quan. Qua đó, xuất hiện thêm các tình tiết mới khi số nạn nhân tử vong trong vụ tai biến nghiêm trọng này là 9, không phải là 8 người; việc sử dụng axít để sục rửa hệ thống lọc nước chạy thận không chỉ một lần mà nhiều lần.
Bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo trả lời HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình
Bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo trả lời HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Trong ngày thứ 4 của phiên tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết, đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, không có quyết định nào bằng văn bản phân công phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Trong khi đó, điều dưỡng viên tên Hậu cho biết bác sĩ Lương và 2 bác sĩ khác có chức trách, nhiệm vụ như nhau là khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ông Vận cũng cho biết, theo quy chế của bệnh viện, nếu sự cố xảy ra liên quan đến chuyên môn là Đơn nguyên thận nhân tạo thì đơn nguyên phải chịu trách nhiệm. Nếu nguyên nhân do Phòng Vật tư để xảy ra sự cố thì khoa đó phải chịu.

Trước câu hỏi của luật sư Nguyễn Hoàng Trung về các máy móc thiết bị y tế ở bệnh viện do ai là chủ sở hữu, ông Vận để luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) trả lời: “Những máy móc xảy ra sự việc là của Công ty Thiên Sơn. Bên phía bệnh viện, giám đốc giao cho Phòng Vật tư phối hợp với các đơn vị sửa chữa, bảo hành để làm. Tất cả thiết bị y tế đều được giám đốc giao cho Phòng Vật tư thực hiện, còn nhà thầu phải chịu trách nhiệm cao nhất với chữ ký của mình”.

Luật sư đại diện cho bệnh viện cũng thẳng thắn cho rằng, bệnh viện nhận trách nhiệm về vụ tai biến nhưng vẫn muốn HĐXX chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm chính cho sự việc này.

Trong khi đó, trả lời trước tòa, bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế) cho biết: “Không có văn bản nào chính thức phân công tôi phối hợp với các doanh nghiệp sửa chữa. Từ trước đến nay, Trưởng phòng vẫn giao tôi làm việc với các đơn vị sửa chữa. Tôi liên hệ với họ để kiểm tra thiết bị, sau đó làm thủ tục, họ sửa chữa xong thì bàn giao thiết bị...”.

Còn bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) cho biết bản thân đã nhiều lần sử dụng axít để tẩy rửa màng lọc nước của hệ thống RO và trong những lần tẩy rửa trước, không có ai ở bệnh viện giám sát và cũng không biết đây là hóa chất Bộ Y tế cấm sử dụng trong y tế. Đồng thời, thừa nhận việc dùng các chất tẩy rửa trên theo kinh nghiệm.

Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục có ý kiến phản bác lại lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực) về việc ai là người nhận bàn giao vật tư thì phải báo cáo với Trưởng khoa (tức ông Khiếu - thời điểm xảy ra sự cố).

Theo Bác sĩ Lương, bản thân không phải là người nhận trang thiết bị vào ngày 28 và 29-5-2017, ngày sửa chữa hệ thống lọc RO số 2 và ngày xảy ra sự cố, nên không có trách nhiệm phải báo cáo lại với ông Khiếu.

“Đầu giờ sáng 29-5-2017, hai điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và Nguyễn Thị Hằng báo cáo các chỉ số trong hệ thống lọc RO đều an toàn, đủ điều kiện để tiến hành chạy thận cho bệnh nhân...”, bác sĩ Lương nhắc lại.

Bác sĩ Lương cho rằng, khi tất cả các chỉ số bình thường, không có bất thường nào xảy ra và cũng không có gì vượt quá khả năng của bản thân thì không cần phải báo cáo với Trưởng khoa.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung (đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai biến) cho biết đã có thêm 1 nạn nhân tử vong, nâng tổng số người chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong lên 9 người. Người tử vong là ông Phạm Ngọc T., từ tháng 1-2018. LS Trung cho biết đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bệnh nhân Phạm Ngọc T. và được HĐXX chấp thuận.

Tin cùng chuyên mục