Xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma: Đề nghị tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm

Ngày 20-10, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Buôn lậu", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma tiếp tục.
Các bị cáo nghe công tố viên luận tội
Các bị cáo nghe công tố viên luận tội

Lúc 9 giờ 5, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đối với bản án sơ thẩm. Cụ thể:

 Với mục đích cuối cùng là thu lợi nhuận cao nhất, nâng giá thuốc khống từ 18 USD lên 27 USD và cuối cùng là 75 USD/hộp, bất chấp quy định của pháp về hành vi làm giả, đạo đức nghề nghiệp và nghiêm trọng nhất là bất chấp tính mạng, sức khỏe của người sử dụng thuốc, các bị cáo trong vụ án này đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi để tạo tính hợp pháp cho một loại thuốc có hiệu lực điều trị ung thư đại tràng sau phẫu thuật, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng đã di căn, ung thư vú đã di căn để bán ra thị trường với tên thuốc tự đặt (thuốc H-Capital 500mg Caplet) do một nhà sản xuất dược không có thật mang tên Helix Canada.
Các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả để tạo ra Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) tại Canada của thuốc H-Capital 500 mg Caplet và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada. Những giấy tờ này được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy tất cả những giấy tờ trên là giả. Kết quả xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capital 500mg Caplet, Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Công thương xác định khi kiểm tra trên mạng thông tin toàn cầu của doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho thấy không tìm được thông tin nào về chủ nhãn hiệu hoặc sản phẩm tương ứng.
Với nhiều giấy tờ, tài liệu được làm giả đã thể hiện đây là một tổ chức làm giả rất tinh vi, có nhiều người tham gia với sự phân công rành mạch từng khâu, do bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) chủ mưu cầm đầu.
Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM xử phạt đối với các bị cáo là chưa xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất vụ án; có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội. Mặc dù nhiều vấn đề đã được thẩm vấn, điều tra công khai tại phiên tòa sơ thẩm nhưng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Do đó, phải tiếp tục điều tra, xác minh để xác định đúng bản chất sự việc, xác định đúng bản chất từng hành vi trong vụ án nhằm xử lý toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma: Đề nghị tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ảnh 1 Công tố viên đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm
Bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội. Trong vụ án này Nguyễn Minh Hùng và bị cáo Võ Mạnh Cường cùng bàn bạc từ việc xây dựng hồ sơ đến việc nhập và tiêu thụ lô thuốc H-Capital 500mg Caplet có nhãn mác do Công ty Helix Canada sản xuất.
Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu, Cường cung cấp một và các giấy tờ chứng nhận giả xuất xứ lô thuốc của Canada. Sau đó Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả một loạt giấy tờ của phía Việt Nam.
Như vậy, các bị cáo biết rõ, làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu giả để nộp cho Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế để được cấp giấy phép nhập khẩu. Hành vi làm và sử dụng tài liệu, giấy tờ và con dấu giả đã có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.
ấp sơ thẩm không điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần VN Pharma) là bỏ lọt tội.
Đối với Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển - Công ty cổ phần VN Pharma), Phạm Văn Thông (dược sĩ), Phạm Anh Kiệt (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - viết tắt Công ty Sapharco), cấp sơ thẩm xét xử tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ toàn bộ hồ sơ nhập khẩu giá và làm giả hồ sơ kĩ thuật của Công ty cổ phần VN Pharma cũng như mục đích phạm tội của bị cáo Hùng, bị cáo Cường thì các bị cáo trên biết rõ. Bị cáo Duy còn giả chữ lý của của giám đốc và nhân viên Công ty Helix Canada để nộp cho Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.
Bị cáo Kiệt không phải là người của Công ty Austin Hồng Công nhưng vẫn sử dụng con dấu công ty và con dấu, chữ ký của ông Luk Heung để đóng vào nhiều giấy tờ cung cấp cho bị cáo Hùng. Sau đó đến cuối năm 2013, Kiệt chuyển giao các con dấu này cho bị cáo Hùng quản lý.
Bị cáo Vũ Phương ký nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài và ký chuyển tiền thanh toán chị hoa hồng cho bác sĩ, nghĩa là tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối trong vụ án. Ba bị cáo này có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hùng và bị cáo Cường, cần được điều tra làm rõ.
Đối với giám định của Bộ Y tế: Tại Quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17-12-2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capital 500 mg, với thành phần hội đồng giám định gồm 10 người do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược làm chủ tịch hội đồng. Việc ông Đông làm chủ tịch hội đồng là chưa đảm bảo tính khách quan, vì Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án này; nhưng ông lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép. Mặt khác, Cục Quản lý Dược tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm, nhưng lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu là chưa đảm bảo tính khách quan. Kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Giám định cho rằng “…thuốc này không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người” trong khi các bị cáo nhập về với một đích chữa bệnh ung thư cho người. Nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả. Vì vậy, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng, làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác đúng pháp luật
Về xử lý vật chứng: Các bị cáo khai chi số tiền 7,5 tỷ đồng là tiền hoa hồng cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ lô thuốc, số tiền này lớn hơn giá trị lô thuốc H-Capital 500 mg Caplet. Như vậy cần phải điều tra, xác minh làm rõ số tiền này còn chi cho những lô thuốc nào, vì nếu chi cho 9.300 hộp thuốc H-Capital 500 mg Caplet thì không phù hợp, vì tiền mua thuốc thấp hơn tiền chi hoa hồng. Mặt khác, đây là số tiền có liên quan trong vụ án, sử dụng vào việc phạm pháp nên cần điều tra làm rõ những người có liên quan và tuyên tịch thu sung công quỹ. Số tiền 10.000 USD mà các bị cáo đã chi cho Nguyễn Quang Huy (người có liên quan trong vụ án) là vật chứng của vụ án, là khoản thu lợi bất chính do thực hiện hành vi phạm tội mà có được. Tất cả các khoản tiền nêu trên đều là vật chứng của vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không tuyên tịch thu, sung công quỹ Nhà nước là thiếu sót, không đúng quy định.
Về trách nhiệm của các cá nhân trong Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc và những loại thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Chính việc làm tắc trách của Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài lô thuốc H-Capital 500 mg Caplet, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện các hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác, lấy tên công ty Helix Cannada và đã được Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp số đăng ký lưu hành. Việc nhập khẩu 7 loại thuốc này cần phải được điều tra làm rõ để xử lý chung trong cùng một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược để xử lý theo pháp luật.
Ông Phan Văn Thiệu,  Phó Tổng giám đốc Công ty VN Pharma là người giới thiệu cho chúc Hoàng Trúc Vy thuê Phạm Văn Thông viết hồ sơ kĩ thuật lô thuốc. Ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu mang tên Công ty Helix  Canada là con dấu giả, đã có ở Công ty cổ phần VN Pharma từ trước nhưng vẫn để mặc cho bị cáo Hùng và cấp dưới thực hiện các hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ loại thuốc trên về Việt Nam. Hành vi của ông Thiện có dấu hiệu phạm tội, cần được điều tra làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.
Bà Hoàng Trúc Vy (nhân viên Phòng Nghiên cứu phát triển – Công ty cổ phần VN Pharma) có hành vi thuê dược sĩ chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc, và thuê bị cáo Phạm Văn Thông viết khống hồ sơ kỹ thuật lô thuốc. Hành vi của bà Vy cũng có dấu hiệu phạm tội, cần được điều tra làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm.
Quá trình xét hỏi tại tòa phúc thẩm cho thấy các nhân viên hải quan tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho thông quan lô thuốc H-Capital 500mg Caplet. Quá trình điều tra, phía hải quan cho rằng Công ty cổ phần VN Pharma làm giả tài liệu quá tinh vi nên nhân viên hải quan không phát hiện được. Ý kiến này không phản ánh đúng vụ việc, vì tờ khai hải quan và hồ sơ có nhiều dữ liệu có thể chứng minh sự gian dối của các bị cáo nhưng nhân viên hải quan không phát hiện, không ngăn chặn kịp thời. Các vấn đề này chưa được điều tra làm rõ nên cần phải xác minh để xử lý khách quan, toàn diện vụ án.

Từ những luận điểm, luận cứ đã nêu, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TPHCM để điều tra vụ án đầy đủ, khách quan, toàn diện, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Tin cùng chuyên mục