Xếp hạng đại học: Thực lực hai đại học của ta tới đâu?

Sự kiện hai Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) và ĐHQG TPHCM lần đầu tiên được có tên trong bảng xếp hạng từ tốp 800 đến tốp 1.000 của Tổ chức Giáo dục Quacquareli Symonds (QS) của Anh quốc đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Chúng ta lấy làm vinh dự vì đây là niềm mong ước của ngành giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng. Song chúng ta đừng tự mãn mà hãy bình tĩnh, hãy nghĩ mình đang ở đâu và có thật sự xứng đáng với vị trí đó hay không?   
Bất ngờ 
Theo Bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2019 (The QS World University Rankings 2019, gọi tắt là QS World) cho 1.011 ĐH hàng đầu thế giới, ĐHQG TPHCM xếp hạng trong nhóm 701-750 và ĐHQG HN xếp hạng trong nhóm 801-1.000. Trong đó, ĐHQG TPHCM được xếp vào tốp 69% ĐH hàng đầu có tên trong QS World 2019, và thuộc nhóm 4% ĐH học hàng đầu thế giới trên tổng số 23.000 ĐH. 
QS World 2019 đánh giá và xếp hạng các đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), số lượng giảng viên quốc tế (5%), và số lượng sinh viên quốc tế (5%).
Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, QS World 2019 đã phân tích hơn 97 triệu trích dẫn từ 14 triệu bài báo trên hệ thống Scopus; tiếp nhận phản hồi từ 1,2 triệu học giả và 200.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu để xác định các trường ĐH xuất sắc nhất về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Với vị trí trên, chúng ta thử tìm hiểu thực lực của 2 ĐHQG mạnh đến cỡ nào về các tiêu chí: công bố khoa học (chỉ tính bài báo ISI vì uy tín hơn Scopus), chỉ số trích dẫn, số lượng sinh viên, giảng viên để so sánh với những trường ĐH khác theo số liệu của QS World trong giai đoạn từ 2012 - 2017. Kết quả truy xuất năng lực công bố quốc tế (chỉ tính các bài ISI) và trích dẫn khiến chúng tôi rất bất ngờ. 
Xếp hạng đại học: Thực lực hai đại học của ta tới đâu? ảnh 1 Năng lực công bố quốc tế của hai ĐH quốc gia còn rất hạn chế so với tiềm lực hiện có
Thứ nhất, ĐHQG TPHCM có quy mô hơn 57.000 sinh viên, đội ngũ giảng viên gần 5.000 nhưng chỉ có 1.086 bài ISI và tổng trích dẫn trong giai đoạn này là 5.371 (được xếp hạng trong nhóm từ 701-750).
Trong khi đó, ĐH Edith Cowan (Úc) có 17.073 sinh viên, giảng viên 685 người nhưng lại có đến 3.729 bài ISI và tổng trích dẫn là 28.378 và chỉ được xếp hạng trong nhóm từ 751-800.
Tiếp đến là ĐH bang Kansas của Mỹ, có 21.333 sinh viên, 1.399 giảng viên nhưng từ năm 2013-2017 có 8.861 bài ISI và tổng trích dẫn là 66.210 nhưng chỉ được QS World xếp họ trong nhóm từ 751-800.
Cần nói thêm là nếu lấy từ năm 2012 thì họ có tới 10.414 bài ISI và không thể thống kê trích dẫn được (vì số bài vượt 10.000 bài). Và chúng ta cũng thấy, dù giảm một năm nhưng số trích dẫn của ĐH này cũng kinh khủng so với ĐHQG TPHCM. 
Thứ hai, xét ở vị trí ĐHQG HN, giai đoạn 2012-2017 có 1.499 bài ISI và tổng trích dẫn trong giai đoạn này là 6.047. Cả về lượng và chất đều hơn ĐHQG TPHCM nhưng QS World lại xếp hạng ở nhóm từ 801 - 1.000. Xếp cùng nhóm hạng với ĐHQG HN nhưng Trường ĐH Mississippi (Mỹ) lại có những chỉ số rất xuất sắc: Chỉ thống kê từ năm 2014-2017 họ công bố đến 8.200 bài ISI và số trích dẫn khủng lên đến 56.397, 21.226 sinh viên và 1.914 giảng viên
Năng lực nghiên cứu, công bố quá thấp  
Nhìn vào phân tích ở trên về những trường đồng hạng và thậm chí xếp dưới ĐHQG TPHCM và ĐHQG HN chúng ta đã thấy được các trường ít sinh viên hơn, ít giảng viên hơn nhưng rõ ràng năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của họ bỏ xa chúng ta.
Tính về lượng (số bài báo ISI) và chất (số trích dẫn) họ đều vượt xa, rất xa. Điều này đã cho thấy chúng ta đừng quá ảo tưởng với vị trí hiện có. Và chúng ta cũng không khỏi nghi ngờ về cách đánh giá cũng như các tiêu chí để cân đo, đong đếm “hơi bị mâu thuẫn” của QS World 2019. 
Như vậy, liệu cái mà chúng ta nhận xét “trên cơ sở phương pháp luận, các thang đo được thiết kế khoa học và các nguồn dữ liệu tin cậy, 1.011 trường ĐH và viện nghiên cứu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được vinh danh trong bảng xếp hạng QS World 2019, trong đó, có 60 trường ĐH lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng lần này” có thật sự thuyết phục được giới học thuật hay không? 
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thông tin trước Quốc hội: “Trong hơn 3 năm vừa qua (1-2015 đến 5-2018), công bố quốc tế (chỉ tính các bài báo ISI) của Việt Nam tăng rõ rệt. Kết quả này nhờ có sự quan tâm đặc biệt đối với công bố khoa học theo chuẩn ISI. Nhiều ĐH đã có nhiều chính sách thúc đẩy và khuyến khích công bố ISI. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho tương lai của đất nước, bởi lẽ khoa học công nghệ quyết định mọi khía cạnh phát triển của một quốc gia.
Trong đó, có 10 cơ cở dẫn đầu về công bố khoa học quốc tế gồm: Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam: 2.396 bài; Trường ĐH Tôn Đức Thắng: 1.546 bài; ĐH Quốc gia TPHCM: 1.373 bài; ĐH Quốc gia Hà Nội: 1.234 bài; ĐH Bách khoa Hà Nội: 1.075 bài; Trường ĐH học Duy Tân: 778 bài; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 407 bài; Trường ĐH Cần Thơ: 394 bài; ĐH Huế: 321 bài; Trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn: 250 bài”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế (chỉ tính bài báo đăng trên Scopus) của giảng viên ĐH của Việt Nam quá thấp. Tỷ lệ trung bình một giảng viên ĐH của châu Á công bố 4,5 bài/năm trong khi giảng viên Việt Nam chỉ có 0,14 bài/năm.
Thực tế cho thấy, xếp hạng ĐH là để biết mình biết ta, nhưng chúng ta cũng đừng bất chấp để có được thứ hạng mà “hữu danh vô thực”. Chúng ta được xếp hạng mà hai tiêu chí được xem là linh hồn của trường ĐH là thành tựu khoa học (công bố quốc tế, bài báo ISI), số trích dẫn, bằng sáng chế quốc tế đều thua xa các đối thủ ở dưới hoặc đồng hạng, thậm chí thua xa rất nhiều ĐH khác không tham gia xếp hạng liệu có thuyết phục? 

Tin cùng chuyên mục