Xem xét tước bằng lái vĩnh viễn tài xế say xỉn gây tai nạn

Ngày 3-5 tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?”.
CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn người lái xe
CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn người lái xe

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019 đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đồng thời kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019. Tuy nhiên, đây chỉ là giải quyết phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật với môi trường pháp lý chặt chẽ, để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm. 

Về việc tăng nặng chế tài xử phạt, ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ GT-VT cho biết, tới đây Bộ sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6-2019 về Nghị định 46 sửa đổi. Trong đó, nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất hiện nay là phạt tiền 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4 - 6 tháng được đề xuất tăng lên 20 - 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Việc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn cũng đang được xem xét. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có hướng dẫn, có môi trường pháp luật xử lý hình sự với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, chia sẻ, sự phẫn nộ của xã hội trong vụ tai nạn giao thông ở hầm Kim Liên vừa qua thể hiện nhận thức của người dân về vấn đề này đã tốt lên nhiều. Nếu như năm 2015, kiến nghị về việc có thể tịch thu phương tiện hoặc xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện bị dư luận phản đối mạnh thì đến nay, rất nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này.

Tin cùng chuyên mục