“Xẻ thịt” khu kinh tế để xây nhà trái phép

Từ hơn 5 năm qua, nhiều đối tượng đến Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) phân lô, chiếm dụng đất làm của riêng. Người đến xâm chiếm, “xẻ thịt” KKT ngày một đông khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các đơn vị chức trách thì quanh co, đổ lỗi cho câu chuyện quản lý nhùng nhằng, chồng chéo…
Một ngôi nhà xây dựng trái phép đang bị cưỡng chế tháo dỡ
Một ngôi nhà xây dựng trái phép đang bị cưỡng chế tháo dỡ

Đổ xô lấn chiếm

KKT Nhơn Hội được thành lập theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg, ngày 14-6-2005 của Thủ Tướng Chính phủ với tổng diện tích 12.000ha, mục tiêu trở thành khu vực phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng và kinh tế biển truyền thống phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Trong tương lai, KKT này sẽ trở thành khu vực kinh tế động lực của Bình Định, có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại…

Thế nhưng, nhiều năm qua, không ít đối tượng đã đến lấn chiếm, “xẻ thịt” KKT này để trục lợi. Theo phản ánh của người dân địa phương, nhiều diện tích của KKT Nhơn Hội nằm trong vùng trồng rừng dương theo dự án trồng rừng phòng hộ ven biển trước đây. Người dân tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) đã bỏ công sức trồng khu rừng này và nay còn giữ giấy tờ chứng minh.

Các đối tượng lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình trái phép hoặc đầu cơ đất tại KKT Nhơn Hội sẵn sàng tấn công, truy sát người dân, thậm chí cả chính quyền nếu ngăn cản chúng. Thấy mọi việc ngoài tầm kiểm soát, người dân ồ ạt kéo nhau giành đất để dựng nhà ở, hàng quán… Nhiều đối tượng dựng những ngôi “nhà ma”, rồi trồng trụ bê tông giăng kẽm gai để khoanh vùng lấn chiếm. 

Một lãnh đạo UBND xã Phước Hòa thừa nhận, do sự chồng chéo trong quản lý giữa đơn vị ở tỉnh và chính quyền địa phương nên “gỡ” mãi không ra. Vị cán bộ này cho rằng, do KKT Nhơn Hội dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT639, đi qua nhiều địa phương nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Địa phương này ra quân ngăn chặn thì địa phương khác lại buông lỏng, không có sự nhất quán nên rất khó dẹp triệt để. Có một số đối tượng khi địa phương tổ chức cưỡng chế nhà xây dựng trái phép thì mang hung khí đến trụ sở UBND xã Phước Hòa, UBND huyện Tuy Phước đe dọa, hoặc mua xăng đến trụ sở chính quyền đòi tự thiêu…

Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) lại cho rằng, nhiều người tìm đủ lý do để chiếm đất trái phép. Khi bị bắt tại chỗ, nhiều người nói, họ chỉ đem vật liệu đến để xây dựng mồ mả. Do không xử lý dứt điểm, nên người này thấy người kia vào chiếm được, cũng đổ xô vào khoanh vùng, lấn chiếm.

Lập lại trật tự

Để lập lại trật tự tại KKT này, trong sáng 5-3, UBND tỉnh Bình Định đã đồng loạt ra quân tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn KKT Nhơn Hội. Trực tiếp tham gia kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, cùng lãnh đạo công an tỉnh và các sở ngành, địa phương. Theo thống kê của các đơn vị chức năng, KKT Nhơn Hội dọc theo tuyến DT639 qua các xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), Phước Hòa (Tuy Phước), Cát Chánh (Phù Cát) có khoảng 79 trường hợp vi phạm, xâm chiếm đất trái phép. Các đối tượng thực hiện việc lấn chiếm từ trước năm 2014, chia làm nhiều đợt. Một số đã xây dựng nhà ở kiên cố; số khác xây dựng hàng quán, công trình; còn lại, chiếm dụng đất công để trao đổi, mua bán…

Ông Hồ Quốc Dũng nói: “Toàn bộ đây đều là đất công... Bây giờ phải lập lại trật tự, làm kiên quyết để gỡ bằng được cho KKT Nhơn Hội… Hiện chúng tôi đang tập trung tháo dỡ những công trình, nhà cửa lấn chiếm đất công từ năm 2014 trở lại. Sau khi lập lại được trật tự sẽ giao cho ban quản lý KKT cùng phối hợp với chính quyền địa phương lập quy hoạch để quản lý. Sau này, nếu thấy ai bắt đầu tập kết vật liệu để xây dựng bất cứ cái gì, tôi đề nghị địa phương, đơn vị chức năng phải lập biên bản, xử lý ngay”.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, do diện tích KKT quá rộng, lực lượng quản lý lại mỏng, không thể ngày đêm đi tuần tra, kiểm soát. Người dân đã cố tình thì sẽ tìm cách này, cách khác để thực hiện hành vi vi phạm. Không phải do xã hoặc chính quyền không thực hiện hoặc buông lỏng.

Tin cùng chuyên mục