Xe buýt nối kết sân bay: Một công, đôi ba việc

Trong lịch sử của ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM, tuyến xe buýt có trợ giá mang mã số 152 sẽ được lưu dấu như là tuyến xe buýt đầu tiên có hành trình kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Một cách chính xác thì vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21, chính quyền thành phố đã có chủ trương đưa vào khai thác tuyến xe buýt từ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất với lộ trình dài hơn 13km đi qua các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận và Tân Bình. Sau đó, khoảng tháng 3-2010, cự ly tuyến được dịch chuyển đến Khu dân cư Trung Sơn thuộc huyện Bình Chánh, trở thành tuyến Khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất cự ly 15,55km với mã số tuyến 152 cho đến nay. Đảm trách tuyến xe buýt 152 này là Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn.

Gần đây hơn, từ ngày 16-3-2016, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lại có thêm một tuyến xe buýt nữa hoạt động. Đó là tuyến xe buýt mã số 109 lộ trình Công viên 23-9 - sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cự ly 10,4km, do Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam đảm trách. Lộ trình tuyến được cân nhắc chọn lựa qua những điểm nhấn như ga quốc tế, ga quốc nội, đường Trường Sơn, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Hàm Nghi, đường Phạm Ngũ Lão… Đây là tuyến xe buýt không trợ giá và được giới thiệu như là tuyến xe buýt 5 sao chất lượng cao, nội thất sang trọng, trong xe có trang bị camera an ninh, máy điều hòa nhiệt độ, đội ngũ phục vụ trên xe buýt có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Toàn bộ xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc theo tiêu chuẩn vận tải hành khách công cộng của các nước phát triển, có sức chứa 63 chỗ.

Trong khi tuyến xe buýt 152 có thời gian vận hành hàng ngày từ 6 giờ đến 18 giờ 15 thì thời gian hoạt động của tuyến xe buýt 109 lại dài hơn nhiều, khi chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5 giờ 45 và chuyến cuối cùng lúc 23 giờ 45, tức là hầu như hoạt động từ sớm tinh mơ cho đến khi chuyến bay cuối cùng trong ngày hạ cánh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự khác biệt tiếp theo giữa hai tuyến xe buýt hiện có kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất là ở giá vé. Nếu như tuyến 152 thu theo mức của xe buýt có trợ giá thì xe buýt không trợ giá mã số tuyến 109 ấn định mức giá 20.000 đồng/lượt hành khách và 12.000 đồng/lượt nếu hành khách đi dưới 5km.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong thời gian tới, sau khi hoàn tất thi công nâng cấp tuyến đường Hồng Hà, cơ quan chức năng sẽ mở thêm một tuyến xe buýt thứ ba kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất để đi về Bến xe miền Đông theo đường Phạm Văn Đồng.

Cho đến giờ phút này, dù vừa có thêm tuyến xe buýt mã số 109 đi vào hoạt động, nhưng trên thực tế luồng tuyến xe buýt có kết nối với đầu mối giao thông tầm cỡ, trọng điểm vẫn còn quá ít ỏi. Có một sự tương phản đáng buồn kéo dài suốt thời gian qua tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đó là hình ảnh lèo tèo, èo uột của xe buýt, trái ngược hẳn với hàng đoàn hùng hậu taxi đủ loại thương hiệu túc trực ở đây suốt hai mùa mưa nắng, năm này qua năm khác. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, việc ngành giao thông vận tải thành phố mở tuyến xe buýt 152 nối kết vào sân bay Tân Sơn Nhất đi xuyên qua chợ Bến Thành đã là một cố gắng lấp vào khoảng trống xe buýt tại cảng hàng không tầm cỡ này. Tiếc rằng suốt thời gian dài sau đó, đấy vẫn là tuyến xe buýt duy nhất có vào gần sân bay. Nói “vào gần sân bay” bởi vì xe buýt 152 không được chủ đầu tư cảng hàng không xếp đặt vị trí bến đậu thuận tiện, không được vào sát cổng hành khách đến/đi, mà trạm dừng phải đặt ở cách đó cả cây số! Vì thế người dân lui tới sân bay, nếu muốn đi bằng xe buýt thì buộc phải chịu khó đi bộ rất xa từ điểm dừng xe buýt đến phòng chờ sân bay và ngược lại, trong khi taxi lại được bố trí áp sát đưa đón hành khách khá thoải mái.

Trong bối cảnh ấy, việc thành phố vừa mở thêm tuyến xe buýt 109 và sắp tới sẽ có thêm tuyến xe buýt Bến xe miền Đông - sân bay Tân Sơn Nhất suy cho cùng chính là làm tăng thêm khả năng chọn lựa cho hành khách, bao gồm cả người nước ngoài đến thành phố tham quan, du lịch. Không chỉ có thế và nhất là trong thời gian tới, một khi mở thêm các tuyến kết nối trọng điểm khác chẳng hạn như Bến xe miền Tây - sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe An Sương - sân bay Tân Sơn Nhất…, áp lực giao thông tại và quanh khu vực sân bay vốn đang quá tải bởi lực lượng hùng hậu các thương hiệu taxi chắc chắn sẽ có bước chuyển biến theo hướng tích cực.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục