Xây dựng nông thôn mới: Diện mạo thay đổi nhưng vẫn “bí” trong sản xuất

Ngày 12-5, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Xây dựng nông thôn mới - 10 năm nhìn lại”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. 
Nuôi bò sữa giúp nhiều người dân Củ Chi thoát nghèo vươn lên. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nuôi bò sữa giúp nhiều người dân Củ Chi thoát nghèo vươn lên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều mặt chưa bền vững

Từ năm 2009, TPHCM chính thức triển khai Bộ tiêu chí về nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, tất cả 56/56 xã và 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập người dân. Sau gần 10 năm, diện mạo vùng nông thôn TPHCM khởi sắc, môi trường nông thôn, chất lượng sống người dân ngày càng được nâng lên. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp. TPHCM đã đầu tư xây dựng 9.320 công trình từ nguồn ngân sách gần 10.000 tỷ đồng. Sự thành công của chương trình ở chỗ không chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà đã huy động tối đa từ cộng đồng. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nhận xét nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới rất lớn, hơn 64.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ đầu tư khoảng 16%, còn lại chính là người dân, doanh nghiệp trực tiếp đóng góp. 

Tuy vậy, ông Trần Ngọc Hổ cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều mặt chưa bền vững. Tổ chức sản xuất, môi trường cảnh quan vùng nông thôn  nhiều nơi còn khó khăn, hạ tầng chưa tương xứng với nhu cầu, người dân, doanh nghiệp thiếu cơ sở sản xuất, nguồn vốn… Ông Nguyễn Văn Hây, Trưởng phòng Kinh tế - UBND huyện Hóc Môn, cũng cho biết đến nay chưa có cơ chế chính sách quy định cụ thể liên quan việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp. Thủ tục chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại đất khác, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng rất rườm rà, khó thu hút được nhà đầu tư nhảy vào tham gia sản xuất nông nghiệp. Là người trực tiếp sản xuất, ông Phạm Thanh Tòng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Củ Chi, chia sẻ vướng mắc của các HTX nói chung là việc xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế trên đất nông nghiệp. Đất có sẵn, tiền có, nhu cầu có nhưng không xây dựng được nhà xưởng để phục vụ sản xuất. 

Không để sai sót trong đầu tư

Trước phản ánh của HTX Thuận Yến, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, cam kết các sở, ngành đang tháo gỡ vướng mắc và dự kiến quý 2-2019 sẽ trình UBND TPHCM hỗ trợ 80% (10,3 tỷ đồng trong tổng số 13 tỷ đồng) để HTX xây dựng nội đồng, nhà xưởng chế biến, nhà phơi cá. Giúp bà con nông dân có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Hây đề nghị TPHCM cần quan tâm hướng dẫn cơ chế, chính sách cụ thể xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp; hỗ trợ các HTX có kênh liên kết, tiêu thụ đầu ra; hướng dẫn xây dựng các thương hiệu HTX mạnh; giới thiệu doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao tới đầu tư, tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển bền vững. 

Về khó khăn của nông dân, xã viên HTX trong việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ nông nghiệp, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TPHCM, phân tích vấn đề khó khăn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên thửa đất của người dân như thế nào, từ đất nông nghiệp qua đất nông nghiệp khác hay đất phi nông nghiệp khác để được xây dựng các công trình. “Tháng 4-2019, Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo và xin ý kiến Bộ Xây dựng. Sau khi có ý kiến của bộ, sở sẽ báo cáo UBND TPHCM và chọn thí điểm 1 huyện để thực hiện, từ đó kiến nghị thực hiện phù hợp ở các địa bàn khác”, ông Tiến cho biết.

Ông Trần Ngọc Hổ cho hay HĐND TPHCM vừa thông qua bố trí vốn trung hạn, quy mô hơn 8.000 tỷ đồng để bố trí cho 1.500 công trình nhằm cải thiện hạ tầng vùng nông thôn. “Sở NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với 5 huyện để triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và không để xảy ra sai sót trong đầu tư”, ông Trần Ngọc Hổ nói.

Chiều 12-5, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố 10 sự kiện nổi bật về các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018, lễ trao giải cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới năm 2018 và phát động cuộc thi báo chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dành cho các nhà báo ASEAN. 

Tính đến hết tháng 4-2019, cả nước có 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 72/664 đơn vị cấp huyện thuộc 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước chỉ còn 5,35%, giảm 1,37% so với năm 2017. 

                                                                                                                      VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục