Xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM

Chiều 25-8, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với TPHCM và tỉnh Đồng Nai, Long An về các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tình hình giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sơ đồ 3 tuyến đường vành đai của TP HCM
Sơ đồ 3 tuyến đường vành đai của TP HCM

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long cho biết, hiện nay trên toàn tuyến còn 74 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng để thi công, trong đó, TPHCM còn 73 hộ dân và doanh nghiệp; tỉnh Long An còn 1 hộ dân. Vì vậy, chủ đầu tư mong TPHCM và tỉnh Long An hỗ trợ trong công tác thực hiện giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Về việc này, TPHCM và tỉnh Long An cam kết trong tháng 10 bàn giao dứt điểm mặt bằng.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc dự án đường Vành đai 4 TPHCM, dự án sẽ góp phần hoàn thiện kết nối giao thông từ TPHCM về Long An.

Sau khi hình thành, tuyến đường này có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam bộ, giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TPHCM. Ngoài ra, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

Phạm vi dự án với điểm đầu nằm ở nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc TPHCM - Trung Lương với đường tỉnh 830 thuộc địa phận thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối kết nối với đường trục Bắc Nam nằm trong khu quy hoạch cảng Hiệp Phước thuộc địa phận xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. 

Mặt cắt ngang đường hoành chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5m. Trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt nút giao tại nút giao QL1. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.707 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết kế hơn 4.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 480 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 900 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.300 tỷ đồng. Về phương án tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn huy động từ các nhà đầu tư và vốn hỗ trợ của nhà nước thông qua quỹ đất đối ứng của các địa phương. Phương án hoàn vốn từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ, hỗ trợ của nhà nước. Dự án dự kiến sẽ được triển khai đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT. 
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc); TPHCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè. 

Về sự cần thiết đầu tư dự án này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP thấy dự án này rất cần thiết vì không chỉ cảng Hiệp Phước không mà còn cả khu đô thị Hiệp Phước. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần cập nhật các quy hoạch phát triển của TP, cũng như nghiên cứu vấn đề quản lý xây dựng và hạn chế bồi thường giải phóng mặt bằng; tính toán thu hồi quỹ đất để kêu gọi đầu tư. TP ủng hộ và giao cho Tuân Thuận tính toán nghiên cứu tham gia đầu tư để hỗ trợ cùng Bộ GTVT, cũng như đơn vị đầu tư có thêm nguồn vốn. Sau khi bàn bạc thống nhất UBND TP sẽ có văn bản trả lời Bộ về vấn đề này.

          Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đầu tư dự án phải liên, thông liên mạch giữa các tỉnh thành, chứ không phải mỗi TPHCM. Vì vậy, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các địa phương, trong đó xây dựng phương án vốn đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch nghiên cứu mặt cắt ngang để tiết kiệm đất nhất, chứ không thể kê đại lên 70m rồi hạ thấp xuống. Về phương án tổ chức giao thông chưa rõ ràng, kết nối giao thông trên khu vực đó tính toán như thế nào, phương thức thu phí, phương án đầu tư phải cụ thể chứ chung chung thì rất khó kêu gọi đầu tư. Quan trọng nhất giải phóng mặt bằng sau đó khai thác quỹ đất để kêu gọi nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục