Xây dựng danh mục đào tạo đại học, cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ mới

Ngày 10-9, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo thông tư ban hành danh mục giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ Cao đẳng (CĐ), Đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ với sự tham dự của các trường ĐH khu vực phía Bắc, các trường khối công an, quốc phòng.

(SGGPO). – Ngày 10-9, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo thông tư ban hành danh mục giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ Cao đẳng (CĐ), Đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ với sự tham dự của các trường ĐH khu vực phía Bắc, các trường khối công an, quốc phòng.

Theo ông Nguyễn Minh Đường, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 quy định, các ngành đào tạo được mã hóa theo trình độ đào tạo (mã cấp I), lĩnh vực đào tạo (mã cấp II), nhóm ngành đào tạo (mã cấp III) và ngành đào tạo (mã cấp IV). Trong đó mã cấp I đến cấp III do Thủ tướng Chính phủ quy định. Mã cấp IV do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH quy định. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước quy định đến mã cấp IV, mã cấp V do các cơ sở giáo dục ĐH phát triển và quản lý.

Cũng theo ông Đường, năm 2013, Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH đã điều chỉnh 10 ngành đào tạo và bổ sung 34 ngành đào tạo mới. Danh mục giáo dục đào tạo, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã điều chỉnh 4 ngành và bổ sung 32 ngành trong hầu hết các lĩnh vực đào tạo.

Mục đích của việc xây dựng dự thảo danh mục mới là phát triển các danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định mới của Luật Giáo dục Đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung mã số, tên gọi các ngành đào tạo chưa cập nhật trong các danh mục hiện hành..

Theo đó, dự thảo danh mục mới được Bộ GD-ĐT đưa ra với bậc CĐ có 22 lĩnh vực đào tạo, 47 nhóm ngành, 163 ngành đào tạo. Với bậc ĐH, có 24 lĩnh vực, 68 nhóm ngành và 310 ngành đào tạo. Ở trình độ thạc sĩ, có 22 lĩnh vực đào tạo, 57 nhóm ngành với 281 ngành. Bậc tiến sĩ có 55 nhóm ngành và 271 ngành đào tạo. Sau khi rà soát, điều chỉnh, đối chiếu thống nhất tương đối cả 4 trình độ, danh mục giáo dục đào tạo cấp IV mới sẽ được cấu trúc theo hướng: tách danh mục các ngành đào tạo trình độ CĐ thành một danh mục riêng; danh mục các ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được tích hợp chung thành danh mục đào tạo mới.

Bộ GD-ĐT cho rằng, danh mục đào tạo là để định hướng các trường phát triển đào tạo. Hơn nữa, các mã ngành phải tương đồng với thế giới để thuận lợi cho người học sau này muốn nâng cao bằng cấp ở nước ngoài.

Đáng chú ý, tại hội thảo, các trường đều đề xuất bổ sung một số ngành học mới. Cụ thể, đối với nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, nghệ thuật, nhân văn, các trường đề xuất  bổ sung thêm ngành sư phạm triết học, công nghệ thiết bị trường học, tiểu học tiếng Anh, mầm non tiếng Anh, hành chính giáo dục, sư phạm kỹ thuật cơ khí, công nghệ điện; trình độ thạc sĩ thì bổ sung thêm ngành phát triển giáo dục cộng đồng, tâm lý học lâm sàng

Nhóm ngành nghệ thuật ở trình độ ĐH được đề xuất bổ sung ngành dân tộc nhạc học, sư phạm âm nhạc biểu diễn, sản xuất và phát hành phim, quản lý sân khấu. Với trình độ thạc sĩ, đề nghị bổ sung thêm sư phạm âm nhạc biểu diễn theo hướng chuyên ngành quản lý nghệ thuật; với trình độ tiến sĩ,  bổ sung thêm biểu diễn âm nhạc..

Với những ngành cần phải điều chỉnh, các trường đề nghị với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đề nghị giữ nguyên mã ngành văn học nước ngoài không tách ra thành 6, 7 mã ngành nhỏ như hiện nay. Với lĩnh vực nghệ thuật, đề nghị thay đổi lý luận lịch sử  - truyền hình và phê bình lý luận điện ảnh và truyền hình.

Đối với nhóm ngành báo chí, thông tin, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và hành vi, khoa học sự sống, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề nghị bổ sung thêm ngành kinh tế giáo dục, kinh tế tài nguyên, toán ứng dụng trong kinh tế  với bậc ĐH; ngành lao động xã hội đề nghị bậc ĐH, bổ sung thêm ngành xã hội học ở bậc tiến sĩ. 

Các trường cũng đề xuất ngành quản trị văn phòng chỉ nên để ở bậc ĐH, không nên đào tạo ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ.  Ngoài ra, theo các trường, ngành quản lý kinh tế thế giới hầu như không có. Do đó, nên chuyển thành một chuyên ngành khoa học quản lý.

Với nhóm ngành kỹ thuật, các trường cho rằng những ngành cần điều chỉnh gồm: công nghệ kỹ thuật vật liệu thay cho ngành vật liệu; công nghệ in đổi thành công nghệ kỹ thuật in; công nghệ điện tử viễn thông thành công nghệ kỹ thuật viễn thông; chuyển máy tính về ngành công nghệ thông tin; công nghệ thực phẩm thành công nghệ kỹ thuật thực phẩm; ngành nông thôn thành kỹ thuật công nghiệp nông thôn…

Đối với các trường khối quân đội, ông Nguyễn Minh Đường cho biết nên chăng Bộ quốc phòng thống nhất lại mã ngành đào tạo ĐH sĩ quan chỉ huy tham mưu. Vì hiện nay, có quá nhiều ngành đào tạo mã ngành này. Còn với các trường khối công an, đại diện của các trường cũng đề xuất loại bỏ ngành phòng cháy chữa cháy và cứu hộ ở bậc CĐ.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục