Xây dựng Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Sáng 23-7, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tổ chức hội thảo “Tham vấn thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Hội thảo khoa học tham vấn thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Hội thảo khoa học tham vấn thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo HĐND TP Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội LHPN các cấp, trường học và câu lạc bộ (CLB) nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực thuộc dự án UN Women trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Theo thống kê, tại Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2018 có 464 vụ bạo lực gia đình và 38 vụ về bạo lực, xâm hại trẻ em. Số vụ bạo lực gia đình được xử lý quá ít so với các vụ ly hôn. Tính chất vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.
Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có trẻ em tuổi mầm non. Vì vậy, trên địa bàn TP Đà Nẵng, phụ nữ và trẻ em gái đã, đang và sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân các vụ bạo lực, xâm hại.
Xây dựng Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ảnh 2 Các nhóm thảo luận các vấn đề xoay quanh đề tài hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng cho biết, Hội LHPN TP Đà Nẵng tiến hành khảo sát thu thập thông tin của 2.693 khách thể là lãnh đạo, quản lý các cấp; nam, nữ từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn TP Đà Nẵng và học sinh nữ tại 7 trường Trung học phổ thông để đánh giá thực trạng công tác phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian đến.

Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức hoạt động thiết thực trong việc nâng cao kiến thức cho các hội viên, phụ nữ và nhân dân trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Các cấp Hội tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng với 722 địa chỉ tin cậy; 6 Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình; 188 tổ nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 47 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”; 6 CLB "Cha mẹ học sinh phòng chống bạo lực gia đình"; 16 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Bên cạnh đó, Thành Hội tổ chức nhiều hoạt động như hội thi, diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chiến dịch chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thu hút sự tham gia nhiệt tình của hội viên phụ nữ, nam giới tại cộng đồng dân cư.

Hàng năm, nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội LHPN TP Đà Nẵng phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức Lễ hưởng ứng Tháng hành động với chủ đề “Bữa sáng với nam giới” và trao giải cuộc thi viết “Bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Từ những mô hình, việc làm trên của các cấp Hội đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giáo dục, răn đe những hành vi bạo lực gia đình; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; tư vấn, hòa giải, giúp đỡ và hỗ trợ các nạn nhân khi có bạo lực, xâm hại xảy ra, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thi ở khu dân cư.

Hội thảo chia làm 8 nhóm thảo luận về các vấn đề: Công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại TP Đà Nẵng – thực trạng và giải pháp; Nâng cao hiệu quả các thiết chế giao thông đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái – thực trạng và giải pháp; Đánh giá thực trạng bạo lực gia đình tại TP Đà Nẵng, đề xuất giải pháp; Tác động của mạng xã hội hiện nay trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Vai trò của ngành công an trong giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Bạo lực học đường tại TP Đà Nẵng – thực trạng và giải pháp; Hiệu quả từ mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; Chương trình giáo dục kỹ năng cho học sinh tại các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng – thực trạng và đề xuất giải pháp.

Từ nội dung trên, hội thảo đưa ra tiêu chuẩn xây dựng TP Đà Nẵng “an toàn – không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, cụ thể: nơi hưởng không gian và cuộc sống công cộng, không sợ bị tấn công; nơi các hình thức bạo lực không xảy ra ở những nơi, địa điểm, không gian công cộng; nơi không bị phân biệt đối xử và các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội được bảo đảm; nơi họ tham gia vào quá trình ban hành chính sách ảnh hưởng đến cộng đồng sinh sống; nơi chính quyền địa phương bảo đảm quyền của người dân bao gồm phụ nữ và trẻ em gái; nơi Nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện các hành động nâng cao nhận thức, phòng ngừa và xử lý hành vi bạo lực; nơi Nhà nước và chính quyền địa phương bảo đảm quyền tiếp cận công lý của phụ nữ và trẻ em gái.

Tin cùng chuyên mục