Xâm hại tình dục trong trường học ngày càng đáng báo động

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, tại Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Xâm hại trong học đường". 
Hội thảo "Xâm hại trong học đường"
Hội thảo "Xâm hại trong học đường"

Thông tin tại buổi tọa đàm, trong 2 năm 2017 - 2018, cả nước xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại. Trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, XHTE, với 325 trẻ em là nạn nhân. Hiện nay, đây là vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu, chất vấn. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 vừa diễn ra đã thống nhất lựa chọn chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2020, là "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống  XHTE'".

Đáng chú ý, hơn 21% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam là người thân trong gia đình. Nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng thời gian gần đây không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn còn là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học. Tình trạng XHTE nơi học đường có xu hướng gia tăng, hàng loạt những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học.

Các chuyên gia đều cho rằng, nếu xảy ra XHTE thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Các thầy cô cũng cần nắm được luật về bảo vệ trẻ em. Nhà giáo, Thạc sĩ tâm lý  Đinh Đoàn cho rằng, nhà trường cũng cần đẩy mạnh việc mời chuyên gia dạy về phòng chống xâm hại cho trẻ. Thầy cô cũng cần hiểu luật. Vì thực tế, hiện nay, do không nắm rõ luật, nên nhiều người hồn nhiên nghĩ, sờ, chạm vào những bộ phận nhạy cảm của học sinh… là một trò vui.

“Cần dạy trẻ không nhận quà từ người lạ, cách thoát hiểm khi gặp nguy hiểm, cách phản ứng để trẻ không để người thân, người lạ xâm hại mình”, Nhà giáo, Thạc sĩ tâm lý Đinh Đoàn nói.

Xâm hại tình dục còn khoảng trống pháp lý lớn. Xâm hại tình dục trong trường học càng khó xử lý. “Để bảo vệ nạn nhân trong môi trường giáo dục hiện nay, mới chỉ nêu vấn đề, chưa có cơ chế thực hiện”, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci nêu quan điểm.

Trước những bất cập trong xử phạt các vụ dâm ô trẻ em mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao vừa đưa ra một dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự 2015. Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, trong Bộ luật Hình sự 2015 có một số hành vi được coi là nghiêm trọng nhất là hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu… Trong khi thực tế, xâm hại tình dục có trăm ngàn hành vi khác nhau. “Tấn công tình dục nghiêm trọng mới đưa vào luật nhưng ngay cả đưa vào luật rồi cũng chưa có định nghĩa, khái niệm như thế nào là dâm ô, hiếp dâm. Không có khái niệm dẫn đến vướng cho tất cả các cơ quan và những người thực thi không thể kết tội”, ông Tú cho hay.  

Tin cùng chuyên mục