WB tại Việt Nam: Cắt giảm đầu tư công chưa hẳn bền vững

“Nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định”, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam bình luận.
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Tại cuộc hội thảo ngày 11-12 công bố Báo cáo Điểm lại 2017 (một báo cáo được phát hành bán thường niên), các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 dự kiến ở mức 6,7%, cầu trong nước, các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến đạt kết quả tốt.

“Nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định”, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam phát biểu.

Lạm phát thấp, số lượng việc làm tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong ngành công nghiệp chế tạo trong 3 năm qua và 700.000 việc làm ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ.

Nhu cầu về lao động cao hơn góp phần khiến lương bình quân tăng khoảng 15% từ năm 2014 đến năm 2016.

Báo cáo ghi nhận tình hình tài khóa được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 - so với 25% trong những năm qua - được cho là chưa hẳn bền vững về lâu dài, khi Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai - bản Báo cáo viết.

Một nhược điểm khác của nền kinh tế Việt Nam cũng được chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, ông Sebastian Eckard nhấn mạnh, đó là cải cách cơ cấu chậm. Ông nói: “Cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Việt Nam có thể tiếp tục tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước”.   

Tin cùng chuyên mục