Vùng đất ngập mặn lớn nhất hành tinh bị tàn phá

Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil vừa công bố các hình ảnh từ vệ tinh cho biết từ đầu tháng 1 tới ngày 11-9 vừa qua, Pantanal - vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới vào năm 2000 nhờ sự đa dạng đáng ngạc nhiên của hệ động vật bản địa- đang bị tàn phá thảm khốc.
Vùng đất ngập mặn lớn nhất hành tinh bị tàn phá

 Theo đó, cơ quan này xác định được vị trí của 4.515 đám cháy, tăng 334% so với 1.039 vụ hỏa hoạn được ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đây cũng là vùng đồng bằng phù sa ngập nước lớn nhất hành tinh với diện tích hơn 170.500 km2, nằm ở phía Nam rừng Amazon, tại hai bang phía Tây của Brazil với một phần diện tích nằm trong Paraguay và Bolivia. Khu vực này bị ngập lụt tới 80% vào mùa mưa giữa tháng 12 và tháng 5. 62% diện tích vùng đất ngập nước này nằm trong lãnh thổ Brazil, tại 2 bang Mato Grosso del Sur và Mato Grosso, 20% diện tích nằm phía Bắc Paraguay và 18% thuộc về Bolivia.

Các chuyên gia môi trường cho biết khả năng do lượng mưa giảm trong năm nay (ít hơn 25% so với năm 2018), cộng thêm đợt nắng nóng gần đây và gió mạnh có thể là nguyên nhân làm gia tăng các đám cháy. Ngoài ra, sau mùa mưa, thảm thực vật càng dễ bị cháy hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định cũng tương tự như khu vực rừng Amazon, các đám cháy chủ yếu do con người tạo ra, với mục đích dọn sạch các khu vực rừng bị phát quang. Trước tình hình gia tăng mạnh các đám cháy, bang phía Tây Bắc khu bảo tồn Mato Grosso del Sur và bang Tây Nam Mato Grosso của Brazil vừa ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép giải ngân tài chính nhanh nhất để đối phó với thiên tai. Ngoài ra, theo thông cáo của nhà chức trách địa phương, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp cũng sẽ giúp cho các bang có thêm quỹ và hỗ trợ từ phía chính phủ liên bang để kiểm soát khẩn cấp các đám cháy rừng.

Tin cùng chuyên mục