Vùng đất chết hồi sinh

Hơn 30 năm, vùng đất trải rộng gần 1.000ha nằm cặp theo sông Vàm Cỏ Tây thuộc huyện Cần Đước (Long An) bị bỏ hoang do nhiễm phèn nặng, người dân không sản xuất được nên họ gọi nó là “vùng đất chết”. Mới đây, tỉnh Long An cho cải tạo lại hệ thống thủy lợi của vùng đất này, nhờ vậy mà người dân xuống giống được hơn 10ha lúa, 10ha dưa hấu… Ai cũng vui mừng vì “vùng đất chết” này cuối cùng cũng hồi sinh…
Vùng đất chết hồi sinh

Hơn 30 năm, vùng đất trải rộng gần 1.000ha nằm cặp theo sông Vàm Cỏ Tây thuộc huyện Cần Đước (Long An) bị bỏ hoang do nhiễm phèn nặng, người dân không sản xuất được nên họ gọi nó là “vùng đất chết”. Mới đây, tỉnh Long An cho cải tạo lại hệ thống thủy lợi của vùng đất này, nhờ vậy mà người dân xuống giống được hơn 10ha lúa, 10ha dưa hấu… Ai cũng vui mừng vì “vùng đất chết” này cuối cùng cũng hồi sinh…

        Giải cứu “vùng đất chết”

Những ngày cuối năm 2012, khi thấy chiếc máy đầu tiên đến nạo vét con kinh Rạch Trường ở xã Long Sơn người dân mới tin là tỉnh Long An cho nạo vét kinh mương để cải tạo “vùng đất chết”. Nhiều người vẫn còn lo ngại, liệu lần này tỉnh làm thiệt hay chỉ đến nạo vét mấy hôm rồi “biến mất” như những lần trước khiến dân mừng hụt.

Ông Lê Văn Liêm, một người dân sống lâu năm ở đây, tâm sự: “Nghe xã thông báo là tỉnh cho nạo vét kinh thủy lợi để cải tạo lại vùng đất này, tui rất mừng nhưng cũng hơi lo. Thế nhưng, mấy hôm nay thấy chiếc xáng cạp về nạo vét con kinh Rạch Trường là tui thấy an tâm rồi. Chắc chắn lần này là mấy ổng “mần” thiệt chứ không như mấy lần trước”.

Quả thật có đến tận nơi mới hiểu phần nào nỗi lo của người dân nơi đây. Bởi một vùng đất trải rộng gần 1.000ha nằm cặp theo sông Vàm Cỏ Tây qua các xã Long Sơn, Tân Trạch, Phước Tuy, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước) đã bị bỏ hoang hơn 30 năm nay.

Đầu những năm 1980, chính quyền lúc đó cho đắp một con đê dọc theo cánh đồng này. Mục đích nhằm ngăn mặn, giữ ngọt để bắt cánh đồng “đẻ” ra nhiều lương thực hơn, nhưng mọi tính toán lúc đó đã bị “dội ngược”. Chẳng những không tạo thêm được một hột lúa nào mà còn biến cả vùng này thành “vùng đất chết”. Cây lúa sống không nổi, con tôm, con cá… cũng chịu thua. Rồi ngay cả người dân ở đây cũng đành buông xuôi, bỏ xứ ra đi…

Nguyên nhân chính là do đồng ruộng ở đây chưa quen bị “giam cầm” trong đê bao nên đất chỗ cao thì bị sa mạc hóa, còn chỗ thấp bị úng phèn nặng. “Nhiều lần tỉnh, huyện quyết tâm cải tạo lại vùng đất này nhưng không thành công”, một cán bộ của huyện Cần Đước cho biết.

Trái ngọt đã hồi sinh trên “vùng đất chết”.

Trái ngọt đã hồi sinh trên “vùng đất chết”.

        Hồi sinh

Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi quay trở lại vùng đất này. Thật bất ngờ, một cánh đồng lúa xanh rì, với diện tích trên 10ha đã hiện ra trước mắt. Cách đó không xa, một ruộng dưa hấu cũng gần 10ha đang cho trái no tròn, sắp đến ngày thu hoạch.

Ông Võ Văn Ruộng, một nông dân ở ấp 3, xã Long Sơn (một trong những người đầu tiên quay về trồng lúa trên cánh đồng này) phấn khởi cho biết: “Lúc đầu thấy mấy ổng cho xáng cạp nạo vét kinh mương, tui cũng mừng nhưng không biết mấy ổng làm có hiệu quả không. Sau mấy tháng, tui thấy dưới kinh có cá nước ngọt xuất hiện, tui biết chắc là hiệu quả rồi, mình có thể trồng lúa được”. Thế là ông Ruộng cùng với gia đình bắt tay dọn dẹp lại đám ruộng ở nhà và sau một thời gian ngắn, đám ruộng 9.000m² của ông đã được xuống giống.

“Tui cấy giống tài nguyên, nay lúa đang làm đòng. Chắc qua tết sẽ thu hoạch”, ông Ruộng chia sẻ. Còn ông Lưu Vĩnh Hoàng, người cùng xóm với ông Ruộng cũng không giấu vẻ hân hoan: “Tui mới xuống giống có 3 công lúa cũng được lắm. Nói thiệt, mỗi ngày đi ra đi vô thăm đám ruộng, ngày nào cũng nhìn đám lúa mà tui cứ tưởng như mình nằm mơ vậy”.

Không riêng gì ông Ruộng, ông Hoàng… mà gần 20 hộ quay về làm lúa lại trên “cánh đồng chết” này ai cũng ngỡ ngàng, họ cứ nghĩ như là đang mơ. Hơn 30 năm qua, cánh đồng này được phủ lên trên mặt một màu vàng xám xịt của năn, lác, tràm và cỏ hoang.

“Nay được phủ xanh bởi cây lúa nên ai cũng mừng, dù năng suất có thể còn thấp, nhưng đây đúng là một kỳ tích. Hy vọng sắp tới, diện tích sản xuất sẽ được mở rộng thêm, cây hoa màu cũng phát triển tốt tươi…”, ông Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, kỳ vọng. Theo ông Sơn, ngoài cây lúa, toàn xã cũng xuống giống được gần 10ha dưa hấu. Điều đáng mừng là dưa hấu phát triển rất tốt, người trồng thu lời không thua những nơi khác.

Anh Nguyễn Thành Nhơn, ở xã Long Cang (huyện Cần Đước) đến đây thuê đất để trồng dưa hấu, cho biết: “Tuy nguồn nước ở đây còn nhiều phèn nhưng vẫn trồng dưa hấu được, hiệu quả cũng không thua nơi khác. Nếu đất được cải tạo tốt hơn, nhất là nguồn nước tiếp tục được cải thiện thì tui tin cây dưa hấu sẽ thích nghi với vùng đất này”.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Hiện nay, nguồn nước ở xã Long Sơn được cải thiện nhờ nạo vét 6 con kênh lớn và 10 tuyến kênh nhỏ. Các công trình này giúp rửa phèn, đưa nước ngọt vào ruộng để người dân có thể trồng lúa ổn định. Sắp tới sẽ cho nạo vét thêm nhiều tuyến kinh, xây dựng thêm một số cống thoát nước để sớm cải tạo lại vùng đất này giúp người dân an tâm sản xuất có hiệu quả”.

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục