Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Vẫn chưa xử lý dứt điểm tồn tại

Tưởng rằng quá trình khắc phục tàu vỏ thép của 20 ngư dân ở Bình Định sẽ thuận buồn xuôi gió, thế nhưng đến nay mọi hy vọng, mong muốn của các ngư dân vẫn chỉ là hy vọng. Cùng với đó là những hệ lụy khiến họ phải gồng mình chịu đựng, lo lắng. 
Các doanh nghiệp làm ăn gian dối khiến tàu của ngư dân chưa kịp hạ thủy đã hư hỏng, gỉ sét
Các doanh nghiệp làm ăn gian dối khiến tàu của ngư dân chưa kịp hạ thủy đã hư hỏng, gỉ sét
Nợ nần chồng chất
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh tại Bình Định ngày 12-8, cho biết đến thời điểm này có 27 chủ tàu (1 tàu đóng theo vật liệu mới, 26 tàu vỏ thép) đóng theo NĐ-67 tại Bình Định, đã nợ quá hạn bên phía ngân hàng số tiền lên trên 15,5 tỷ đồng. Trong đó, có 22 chủ tàu vỏ thép NĐ-67 quá hạn do tàu thép hư hỏng, gỉ sét khi mới hạ thủy đánh bắt; còn 5 chủ tàu khác do đánh bắt kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ ngân hàng. Trong 22 ngư dân tàu vỏ thép NĐ-67 hư hỏng, có 2 ngư dân là ông Trần Văn Hạo và ông Trương Hoài Khánh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) bị ngân hàng giữ sổ đỏ không trả. Hiện 2 ngư dân này hết sức khốn đốn vì gia đình không có tiền giải quyết nợ nần, lại không có sổ đỏ để thế chấp vay nguồn vốn khác tiếp tục làm ăn. Trong thời gian chờ đợi công ty khắc phục, sửa tàu, 2 ngư dân này phải “trốn” ra khơi để “bòn” biển, vớt vát nợ nần. 
Trả lời phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNH - Chi nhánh tại Bình Dịnh, cho biết: “Trước đó, NHNH cũng đã có đề xuất, nhưng do vướng về vấn đề hỗ trợ lãi suất theo quy định Thông tư 114/2014/TT-BTC. Hiện các bộ Tài chính, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, NHNN và các cơ quan liên quan đã soạn thảo văn bản trình Chính phủ, đối với những trường hợp trên được phép cơ cấu lại và được hỗ trợ về lãi suất”. Cũng theo ông Dương, ý kiến của NHNN - Chi nhánh tại Bình Định về hỗ trợ ngư dân như sau: Hướng dẫn việc kéo dài thời gian ân hạn, trả nợ gốc và lãi vay; cơ cấu lại nợ đối với trường hợp tàu hư hỏng nằm bờ; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho ngư dân khi cơ cấu lại nợ do nguyên nhân tàu hư; hỗ trợ mở rộng bảo hiểm ngư lưới cụ cho ngư dân khi ngư lưới cụ bị mất, rách không đánh bắt được; kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn công ty bảo hiểm để giúp ngư dân được hưởng chính sách bảo hiểm khi hết hạn…
Đa số các ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định đều phản ánh rằng, họ còn “cõng” thêm rất nhiều khoản nợ khác, lên đến hàng trăm triệu đồng trong thời gian tàu hư hỏng sửa chữa, nằm bờ… Nhiều ngư dân đang khốn đốn. Đơn cử như ông Đinh Công Khánh, Trần Đình Sơn, Nguyễn Văn Lý… Đặc biệt là chủ tàu Nguyễn Công Quý (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đang bị tai nạn phải nằm viện cấp cứu. Trước đó, ông Quý được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định mời lên TP Quy Nhơn để họp thống nhất phương án khắc phục tàu mình. Trên đường về nhà bằng xe máy, anh Quý bị tai nạn giao thông. 
Lằng nhằng sửa chữa
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả thẩm định 10 mẫu thép cuối cùng ở boong và đáy 5 tàu vỏ thép hư hỏng. Kết quả cho thấy, có 7/10 mẫu thép của 4 con tàu không đạt MAC A. Ngư dân rất bức xúc trước cách làm ăn thiếu đạo đức của doanh nghiệp (DN), đề nghị phải thay lại thép theo đúng hợp đồng, thế nhưng bên phía DN lại “dọa” phá sản để xin được “vá” thép. Cho đến bây giờ, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng đành bất lực, chờ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cùng ngày 12-8, trả lời phóng viên Báo SGGP, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh, trước sau vẫn vậy. Nhất quyết DN phải thực hiện theo đúng hợp đồng, thay lại thép cho ngư dân, không có chuyện chắp vá hay khắc phục. Trước ký hợp đồng với ngư dân thép gì thì nay phải thay thế đúng loại thép như trong hợp đồng. Loại thép nào không đảm bảo, không đạt MAC A thì phải tháo ra thay thế lại cho ngư dân...”.
Thế nhưng, bên phía các ngư dân lại lo lắng rằng hiện tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đang trên đà phá sản, nếu làm căng rất có thể DN này sẽ “chạy làng”. Thế nên, để DN này thay thép là rất khó. “Tuy vậy, nếu khắc phục theo kiểu chắp vá, khi tàu ra khơi những hư hỏng sau này thì ngư dân phải chịu hết. Ngư dân chúng tôi cũng muốn giải quyết cho dứt khoát, mong Chính phủ giải quyết giúp”, ngư dân Nguyễn Văn Lý nói.
Sáng 12-8, PV Báo SGGP liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để kịp thời thông tin về tình hình của DN này. Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc DN này đã thay số điện thoại. Điện thoại với ông Nguyễn Đức Ân, Kế toán trưởng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, ông trả lời: “Không vấn đề gì đâu. Tôi đang bận có gì anh gọi lại sau (?) ”.
Về việc DN xin khắc phục thép “dỏm”, cùng ngày 12-8, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng phòng Đăng kiểm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) - ông Cường cho hay: “Hiện tại các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm bản kế hoạch, trong đó trình bày cụ thể những phương án, công đoạn của việc thay thế, khắc phục thép. Sau đó, DN này sẽ gửi kế hoạch đó lên Sở NN-PTNT để trình lên UBND tỉnh. Khi các cơ quan chức năng tỉnh xem xét xong, nếu UBND tỉnh Bình Định đồng ý với kế hoạch ấy thì cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra về an toàn kỹ thuật…”.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho biết hiện DN này đã thay máy và khắc phục xong cho tàu BĐ 99678 TS, của ngư dân Nguyễn Ảnh tại cảng Tam Quan (đây là con tàu đầu tiên). Chỉ cần đợi chủ tàu chọn ngày kéo lưới lên tàu nữa là hạ thủy. Tuy vậy, phản ánh với báo chí, ngư dân Nguyễn Ảnh lại nói, tàu vẫn chưa khắc phục xong, khoảng 1 tuần nữa mới xong và phun sơn. Sau đó, ngư dân mới chọn ngày để đưa lưới chài lên tàu, đưa lưới lên mất thêm 2 ngày nữa. “Hiện tại tàu tôi còn 4 hạng mục là 2 cái hầm bảo quản cá, với mấy hầm nước...”, ngư dân Nguyễn Ảnh nói.

Tin cùng chuyên mục