Vụ học giỏi tuyệt đối vẫn “lọt sổ” trường công lập: Sẽ rà soát để bổ sung

Các học sinh học giỏi tuyệt đối tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn còn hy vọng bước chân vào trường công lập sau khi ngành giáo dục tỉnh này cho rà soát, kiểm tra lại chỉ tiêu tuyển sinh công lập trên địa bàn thành phố để bổ sung. 

Liên quan đến bài viết (Học giỏi tuyệt đối vẫn “lọt sổ” trường công lập”, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này, nhất là quan điểm của tỉnh xử lý việc này ra sao.

Theo ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trước tiên, lãnh đạo chia sẻ những nỗi niềm với phụ huynh và các học sinh vì có chuyện học giỏi tuyệt đối nhưng vẫn trượt NV1 trường đã chọn, trong đó đa số là “trường điểm” THPT Lý Tự Trọng, đó là điều không ai muốn. Tuy nhiên, xét về mọi mặt thì trách nhiệm vẫn thuộc về các bậc phụ huynh và ngay cả bản thân các em đã không lượng sức và tìm hiểu kỹ khi chọn trường.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo "trường điểm" Lý Tự Trọng không phải duy nhất để các học sinh gửi gắm tương lai 

Thẳng thắn với báo chí, ông Bắc cho biết, tình trạng học sinh giỏi tuyệt đối không đỗ vào trường công, trường điểm xảy ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cơ chế tuyển sinh đã đưa ra, buộc tất cả phải theo.

“Mấy ngày qua, tôi nhận được rất nhiều đơn của phụ huynh có học sinh trượt Trường Lý Tự Trọng, mong lãnh đạo tỉnh cứu xét. Nhưng chỉ tiêu tuyển sinh đã giao cho từng trường, họ phải đưa ra phương án tuyển sinh hợp lý. Tất nhiên, em nào điểm cao nhất sẽ trúng tuyển. Trong các em trượt NV1, các em đều học rất giỏi, đó là điều lãnh đạo tỉnh rất tiếc!”, ông Bắc nói.

Nói về tình trạng các em học giỏi có nguy cơ phải học trường ngoài công lập, nhiều phụ huynh học sinh có “tâm thư” đề nghị lãnh đạo tỉnh giải cứu bằng cách bổ sung chỉ tiêu. Về vấn đề này, ông Bắc khẳng định mùa tuyển sinh năm ngoái, tỉnh phải cho thêm 80 chỉ tiêu để trường Lý Tự Trọng nhận hết các em học sinh giỏi tuyệt đối nhưng vẫn trượt khi nộp NV1 vào trường này. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh của Lý Tự Trọng năm nay đã vượt chỉ tiêu 38 em, đã khóa sổ và giờ không thể “phình” ra được nữa. Nếu cứ "phình" ra, điều này sẽ tạo sự mất công bằng cho các trường và ngay cả hai hệ đào tạo công lập và ngoài công lập. Đó là chưa nói đến những tiền lệ khác.

Trả lời câu hỏi về quan điểm của tỉnh giải quyết số học sinh học học giỏi tuyệt đối nhưng đứng trước việc phải học bán công? Ông Bắc cho biết, qua trao đổi với Sở GD-ĐT, tỉnh đã thống nhất chỉ đạo ngành giáo dục rà soát lại các chỉ tiêu công lập của các trường trên địa bàn TP Nha Trang. Nếu trường nào còn chỉ tiêu tuyển sinh thì sẽ nhận các học sinh rớt NV1 tại trường Lý Tự Trọng về học tại trường công lập nên các phụ huynh đừng quá tuyệt vọng! Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Dư luận cho rằng, việc xét tuyển lên lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa hiện nay không phù hợp và thực tế đã tạo nên những bất cập như việc học sinh giỏi tuyệt đối vẫn có nguy cơ trượt trường công, nên chăng phải có sự thay đổi qua việc thi tuyển.

Phân tích khía cạnh này, ông Bắc cho rằng, tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc xét tuyển đã nhiều năm nay và rất ổn nên lãnh đạo tỉnh đồng ý với ngành giáo dục là không thi tuyển. Bởi thi tuyển vừa tốn kém, mất công sức nhưng cũng có những điểm yếu, hạn chế riêng. Hình thức xét tuyển vào lớp 10 THPT tạo điều kiện cho học sinh vừa học vừa rèn luyện, nhà trường vừa dạy chữ vừa dạy người; đồng thời giảm áp lực thi cử, bớt tốn kém, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan...

Qua những vướng mắc thời gian quan trong việc xét tuyển lên lớp 10 tại tỉnh Khánh Hòa, ông Bắc khuyến cáo các phụ huynh không nên đặt quá nặng đến việc cho con phải vào bằng được trường chuyên, trường chọn hay chí ít là trường công lâp. Bởi không chỉ có trường công lập mới đảm bảo cho con em họ có tương lai sáng. Có nhiều địa phương, như ở Hà Nội, rất nhiều học sinh ao ước được vào học trường ngoài công lập nhưng không được.

“Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vừa qua, Khánh Hòa có 10 trường đỗ tốt nghiệp 100% thì trong đó có đến 4 trường ngoài công lập. Đặc biệt hơn, tỷ lệ học sinh trường ngoài công lập đỗ tốt nghiệp đến 99,53%, trong khi trường công lập là 98,65%”, ông Bắc thông tin.

Trường dân lập Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang)  có học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 100%

Nói về định hướng phát triển hệ thống trường cấp 3 tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Duy Bắc cho biết, trong khi ở Hà Nội chỉ có gần 50% học sinh học ở trường công lập, TPHCM khoảng 60% thì ở Khánh Hòa có đến 85% học sinh học công lập, có thể cao nhất cả nước. Trong khi đó, chúng ta đang ra sức xã hội hóa ngành giáo dục bằng việc phát triển hệ thống ngoài công lập ngày tốt hơn, vậy nên, nếu cứ dồn cho việc phát triển công lập bằng việc duy trì và tăng chỉ tiêu thì điều này rất khó để xã hội hóa.

Sắp tới, để hạn chế việc quá tải học sinh dự tuyển vào một trường điểm như Lý Tự Trọng, tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa ra biện pháp điều động, luân chuyển giáo viên giỏi từ trường này sang trường khác để nâng cao chất lượng dạy học và tạo ra sự đồng đều giữa các trường, để vài năm tới, tất các trường cấp 3 trên địa bàn TP Nha Trang đều có chất lượng như Lý Tự Trọng hiện nay và có thể hơn thế. Đó là giải pháp căn cơ mà tỉnh hướng đến.

Tin cùng chuyên mục