Vụ đường 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã tan nát: Chủ đầu tư lên tiếng

Trước thông tin dư luận nghi ngờ về chất lượng con đường, dẫn đến hư hỏng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT, chủ đầu tư con đường cho rằng “không phải”.
Một vị trí hư hỏng trên đường

Liên quan đến vụ việc Đường tránh Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chưa bàn giao đã tan nát, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Ban quản lý dự án 6, Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án.

Ông Hưng cho biết, Ban đã nắm thông tin đường hư hỏng vào chiều ngày 3-9. Ngay sau đó, ông đã yêu cầu đơn vị thi công tổ chức rào chắn điểm đầu đường Hồ Chí Minh và điểm giao Quốc lộ 25 (nơi đoạn đường tránh đi qua - PV) để tránh xảy ra rủi ro tai nạn mà người tham gia giao thông có thể gặp phải.

Trong chiều ngày 4-9, Ban đã thành lập đoàn công tác gồm ông Nguyễn Kiều Hưng và các chuyên gia của đơn vị tư vấn thiết kế, địa chất, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công để kiểm tra hiện trường. Phạm vi vùng ảnh hưởng rơi vào khoảng từ 120 đến 150m. Trong đó, phần chính bị tụt thẳng đứng xuống rơi vào khoảng 30 đến 40m, kéo theo các phạm vi khác tụt theo.

“Đoàn nghi ngờ thời gian qua địa bàn Tây Nguyên mưa nhiều. Phần mặt đường bị tụt 30 đến 40m, nghi có khả năng là phạm vi của túi đất yếu. Đất yếu tụt xuống kéo theo phạm vi ảnh hưởng tụt nền đường xuống, gây hiện tượng nứt, tụt thẳng xuống. Nghi ngờ khu vực đất yếu trước kia có khả năng là cái đầm, cái ao được bồi lắng, đến khi khảo sát thì không phát hiện ra”, ông Hưng nói.

Vụ đường 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã tan nát: Chủ đầu tư lên tiếng ảnh 2 Vị trí gãy, nứt kéo dài

Ông Hưng cũng cho biết, trong buổi kiểm tra, đoàn yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát toàn bộ lưu vực để tính toán khả năng thoát nước; khảo sát mặt cắt ngang địa hình và đối chiếu hồ sơ thiết kế xem bị lún bao nhiêu; cho khảo sát mặt cắt ngang đường, trong đó dự kiến khoan 3 mặt cắt đường và mỗi mặt cắt ngang sẽ khoan từ 3 đến 4 lỗ khoan. Đặc biệt trong vị trí sâu nhất sẽ khoan 2 mặt cắt ngang để đánh giá phần nền đường thi công cũng như địa chất bên dưới thế nào để tìm nguyên nhân, sau đó đề ra giải pháp xử lý.   

Trước câu hỏi dư luận nghi ngờ đường hư do thi công không đảm bảo, ông Hưng cho rằng điều này không phải. Ông giải thích, từ đầu đến cuối tuyến đường đều ổn, chỉ duy nhất một vị trí bị hư hỏng. Nếu thi công không đảm bảo chất lượng thì vỡ từng mạch ra, còn đây bị tụt cả nền đường thẳng xuống.

Cũng theo ông Hưng, đường tránh nói trên thi công từ tháng 5-2018, đến tháng 3-2019 thì hoàn thành. Đường có chiều dài gần 11km gồm 3 gói thầu với 4 đơn vị thi công. Tổng mức đầu tư của con đường là 250 tỷ đồng. Đến nay, con đường chưa bàn giao. Vị trí hư hỏng do Công ty cổ phần 471 (Nghệ An) thi công.

Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, Đường tránh Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Sê dù đã thi công xong nhưng chưa bàn giao đã xảy ra tình trạng gãy, sụt lún mặt đường với chiều dài con đường bị hư hỏng cả 100m, gây mất an toàn giao thông, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố tuyến tránh Chư Sê

Bộ GTVT vừa có công điện khẩn yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục sự cố tuyến tránh Chư Sê (Gia Lai)  thuộc dự án đường Hồ Chí Minh (Km10+200 - Km10+300).

Thời gian vừa qua, khu vực các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có mưa lớn. Đặc biệt từ ngày 23-8 đến ngày 3-9 tại địa bàn huyện Chư Sê xảy ra nhiều trận mưa rất lớn, kéo dài, một số đoạn tuyến trên dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường. Hiện tại, mặt đường tuyến này đang có nhiều vết nứt rộng và sâu, có vết sâu gần 1m. Các vết nứt to chạy dọc tim đường. Nhiều tấm kè chống sạt hai bên đường bị đánh sạt, trôi đi. 

Để khắc phục ngay tình trạng trên, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 chủ trì phối hợp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến.

Bên cạnh việc đánh giá, xác định nguyên nhân, các đơn vị cần đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng, đảm bảo ổn định công trình, tuyệt đối an toàn giao thông cho người và các phương tiện.

Ban Quản lý dự án 6 cần báo cáo kết quả thực hiện với Bộ GTVT trước ngày 10-9.

Tin cùng chuyên mục