Vụ đào phá núi Mò O: Tiếp tục xử phạt thêm 2 doanh nghiệp, 1 cá nhân

Liên quan đến vụ "đất tặc" lộng hành đào phá núi Mò O (thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) mà Báo SGGP đã liên tục có bài điều tra, phản ánh, UBND huyện Phù Cát tiếp tục ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 2 doanh nghiệp và 1 cá nhân.

Ngày 4-7, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) xác nhận, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 2 doanh nghiệp và 1 cá nhân có hành vi khai thác đất trái phép ở núi Mò O, với số tiền 95 triệu đồng.

Cụ thể, quyết định xử phạt đối với Công ty 98, chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (địa chỉ ở Quận 12, TPHCM), số tiền 50 triệu đồng; Công ty TNHH Tường Quang (địa chỉ ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát) 30 triệu đồng và ông Võ Tấn Tài (ở thôn Chánh Lý) 15 triệu đồng.

Ông Võ Tấn Tài là nguyên Bí thư Chi bộ thôn Chánh Lý. Sau khi có hành vi tiếp tay, khai thác đất trái phép trên núi Mò, ông đã bị Đảng ủy xã Cát Tường kỷ luật, cách chức Bí thư Chi bộ thôn.

Doanh nghiệp ngang nhiên huy động máy móc, phương tiện đến đào phá, lập mỏ trộm đất trên núi Mò O giữa ban ngày

Theo báo cáo của UBND xã Cát Tường, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, UBND xã Cát Tường liên tục phối hợp với người dân thôn Chánh Lý kiểm tra, phát hiện và lập 9 biên bản vi phạm đối với các Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định); Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98); Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường); Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định)…

Riêng với Công ty Bình Diễm có đến 5 vi phạm, nhưng vẫn tiếp tục huy động máy móc, phương tiện ngang nhiên hoạt động, còn công ty Hiếu Ngọc đưa máy móc đến ủi phá nhằm 3 ngôi mộ của dòng họ Đặng ở làng Chánh Lý nên bị dân làng chặn lại.

Bất chấp sự vào cuộc của chính quyền địa phương, dân làng Chánh Lý, đến tối 5-5, Công ty Bình Diễm tiếp tục huy động máy móc lên núi Mò O để đào phá núi, trộm đất trái phép. Cũng trong đêm 5-5, bà Tr.T.B. (60 tuổi, người dân thôn Chánh Lý) vì phản ứng việc Công ty Bình Diễm khai thác đất nên ngất xỉu ở núi Mò O, sau đó tử vong tại bệnh viện.

Hành vi của Công ty Bình Diễm là rất nghiêm trọng, trực tiếp gây ra nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng thôn Chánh Lý. Tuy chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhưng đã tự ý đưa máy móc, phương tiện đến phá hủy hiện trạng núi Mò O, làm ảnh hưởng đến mồ mả, ruộng đồng người dân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND huyện Phù Cát chỉ mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Bình Diễm số tiền 50,6 triệu đồng vì hành vi khai thác đất trái phép. Đồng thời, buộc Công ty Bình Diễm phải cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác ở núi Mò O, trả lại hiện trường đào phá về trạng thái an toàn.
Người dân thôn Chánh Lý trong một lần giáp mặt doanh nghiệp khai thác đất ở núi Mò O

Chiều 4-7, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Ngọc Bình (người dân ở thôn Chánh Lý) cho biết: “Cho đến bây giờ, mọi chuyện ở núi Mò O vẫn cứ im ru, chính quyền cũng chỉ trả lời kiểu chung chung cho qua chuyện, chứ không có một lời giải thích thấu đáo trước dân".

Núi đã bị đào phá thành hầm hố tan hoang. Mùa mưa sắp đến, nếu Công ty Bình Diễm vẫn chậm trễ khắc phục hiện trường hoặc khắc phục không đảm bảo, thì mưa lũ sẽ gây sạt lở đất, ruộng đồng, mồ mả của dân làng dưới chân núi sẽ bị bồi lấp ngay. Sau sự việc ở núi Mò O, dân làng Chánh Lý cảm thấy rất hoang mạng, thiếu tin tưởng vào cách làm của các cấp chính quyền từ UBND xã Cát Tường đến UBND huyện Phù Cát...”, ông Bình bức xúc.

Tin cùng chuyên mục