Vụ CFO tập đoàn Huawei bị bắt: Tổng thống Mỹ cân nhắc việc can thiệp

Sáng 12-12, Tòa án tỉnh British Columbia của Canada vừa quyết định cho phép bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc được bảo lãnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác.

 

Cửa hàng Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Cửa hàng Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Thêm một “lá bài”

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ can thiệp vào hành động của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ bà Mạnh nếu việc này có thể phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Theo nhà lãnh đạo Mỹ,  Nhà Trắng đã liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ lẫn các quan chức Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ việc. Theo CNN, phát ngôn của ông Trump cho thấy chính quyền của ông bỏ ngỏ khả năng sử dụng bà Mạnh làm “lá bài” của Mỹ trong cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 1-12, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất thỏa thuận “đình chiến” thương mại với thời hạn 90 ngày. Mỹ cảnh báo sẽ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nếu sau thời hạn này hai bên không đạt được tiến triển tích cực nào trong căng thẳng liên quan tới thương mại. Năm nay, ông Donald Trump từng can thiệp giúp một công ty Trung Quốc khác là ZTE. Nhờ sự can thiệp của ông mà Bộ Thương mại Mỹ rút lại lệnh trừng phạt đối với ZTE, công ty bị cáo buộc nói dối nhà chức trách Mỹ sau khi đã thừa nhận vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Phản ứng về vụ bắt giữ bà Mạnh, phía Trung Quốc được cho là đã bắt giữ ông Michael Kovrig, cựu viên chức ngoại giao của Canada tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Trung Quốc chưa có phản hồi tức thời về việc giam giữ ông Kovrig. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố, vụ bắt bà Mạnh là một “âm mưu chính trị” nhằm ngầm làm suy yếu Huawei. Hiện Văn phòng Thủ tướng Canada không bình luận về những tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng Đại sứ Mỹ tại Canada Kelly Craft đã thẳng thắn bác bỏ cái mà Trung Quốc gọi là một “âm mưu chính trị”.  

Cáo buộc tấn công mạng

Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh Vãn Chu vẫn ở lại Vancouver, sau khi nộp lại các hộ chiếu và chỉ được phép đi lại trong một số khu vực nhất định cũng như tuân thủ nhiều yêu cầu khác nhau, bao gồm các cuộc gặp thường xuyên với cảnh sát. Bà Mạnh phải báo cáo hàng tuần cho người giám sát ở Vancouver và có mặt tại tòa bất kể khi nào có lệnh. Liên quan đến nghi vấn hộ chiếu của bà Mạnh, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, bà Mạnh chỉ có một cuốn hộ chiếu Hồng Công có hiệu lực. Trước đó, tòa án ở Canada tiết lộ bà Mạnh Vãn Chu sở hữu 3 cuốn hộ chiếu của đặc khu này. 

Trong khi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc thì thông tin vừa tiết lộ tại một hội thảo về an ninh mạng do báo Wall Street Journal tổ chức tiếp tục gây xôn xao dư luận. Ông Rob Joyce, quan chức tại Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động tấn công mạng nhằm vào Mỹ trong vài tháng gần đây, với mục tiêu là những cơ sở hạ tầng quan trọng, nhằm tạo tiền đề cho các vụ tấn công phá hoại trong tương lai. Ông Joyce không nói rõ chi tiết, nhưng một người phát ngôn của NSA cho biết, quan chức này đề cập đến các vụ tấn công mạng của Trung Quốc nhằm vào cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, giao thông và y tế của Mỹ. Từ trước đến nay, những cáo buộc do phía Mỹ đưa ra về hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc chỉ tập trung vào các hoạt động gián điệp và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ chứ không đề cập đến việc phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Tin cùng chuyên mục