VNPT cam kết đồng hành xây dựng “An Giang điện tử”

Tỉnh An Giang và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã sơ kết 2 năm triển khai Thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT giữa 2 bên và công bố khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025. 

Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với tư cách là đối tác hợp tác chiến lược, sau hơn 2 năm đồng hành cùng An Giang trong xây dựng hạ tầng VT-CNTT, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp CNTT hiện đại để xây dựng chính quyền điện tử, kết quả đáng tự hào: Xây dựng thành công khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Cung cấp trọn gói dịch vụ VNPT iGate cho các dự án phần mềm một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện; Cung cấp dịch vụ VNPT HIS cho 11 trung tâm y tế cấp huyện/ thị; Cung cấp hệ thống hạ tầng và đường truyền dịch vụ hội nghị truyền hình trực tiếp cho UBND tỉnh; Đề xuất triển khai thử nghiệm Module Du lịch thông minh và một số dịch vụ CNTT khác trong lĩnh vực an ninh, cơ sở hạ tầng của tỉnh;…

VNPT cam kết đồng hành xây dựng “An Giang điện tử” ảnh 1 Lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn VNPT công bố khung Đề án  "An Giang điện tử"
Thành quả đó là đã giúp An Giang mang diện mạo hoàn toàn mới: phủ sóng di động 100% diện tích tỉnh gồm 156/156 xã, phường, thị trấn; 600 trạm phát sóng di động, với trên 1.500 thiết bị 2G, 3G và 4G; mạng băng rộng với trên 5.000km cáp quang phủ đến 156/156 xã phường và xóm ấp của tỉnh;… Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (VNPT iGate) được triển khai tại 16 sở, ngành; 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố; 156 xã phường tại An Giang. Hạ tầng CNTT đã quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; 100% cơ quan quản lý nhà nước được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, triển khai Nghị quyết 36A/NQ-CP; đảm bảo tổ chức hội nghị truyền hình từ Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, cũng như các cơ quan bộ ngành, địa phương…

Đáng chú ý, An Giang là tỉnh sớm triển khai hệ thống phần mềm “Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế - VNPT-HIS” cho 179 cơ sở y tế (trong đó 2 bệnh viện tuyến tỉnh; 22 bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực; 150 trạm y tế xã phường và 5 bệnh viện, phòng khám tư nhân), kết nối liên thông với Cổng dữ liệu y tế và Cổng Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hệ thống Quản lý văn bản điện tử VNPT iOffice đã thực hiện liên thông thành công với trục liên thông văn bản Quốc gia, đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ theo Quyết định 28 của Chính phủ.

Với lĩnh vực kê khai thuế, kê khai Bảo hiểm xã hội (I-VAN) và Chữ ký số: đã phát triển được 2155 đơn vị tham gia đăng ký Kê khai bảo hiểm xã hội qua hệ thống của VNPT Vinaphone. Cung cấp cho 3.082 chữ ký số (VNPT-CA) phục vụ kê khai thuế điện tử, triển khai giải pháp chữ ký số tập trung cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang phục vụ cho bệnh án điện tử. Trong đó, đã triển khai hơn 60 khách hàng đăng ký sử dụng trên 15 triệu hóa đơn.

Trong lĩnh vực giáo dục: đã cung cấp sản phẩm VnEdu cho hơn 150 trường học trên địa bàn, với tổng số trên 50.000 học sinh có sổ liên lạc điện tử.

VNPT cam kết đồng hành xây dựng “An Giang điện tử” ảnh 2 Một góc trung tâm thành phố Long Xuyên, An Giang
Là tỉnh đông dân số nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án “An Giang điện tử” sẽ đóng vai trò là đòn bẩy thúc đẩy toàn bộ khu vực phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch và nông nghiệp thông minh. Với ý nghĩa đó, hiện Tập đoàn VNPT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND An Giang triển khai sâu rộng hệ thống Du lịch thông minh gồm Cổng thông tin du lịch và ứng dụng di động cho du lịch thông minh cung cấp các tiện ích thông minh cho người dân, du khách như: thăm quan 3D phòng khách sạn, đặt phòng khách sạn; thực tại tăng cường (AR), nhận diện hình ảnh, nhận diện điểm đến xung quanh… Hơn hết, tập trung nguồn lực CNTT hiện đại để nâng tầm nông nghiệp giúp An Giang vốn có thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp thành “thủ phủ” nông nghiệp 4.0. Khẳng định một lần nữa ý nghĩa to lớn của quan hệ hợp tác và sự phát triển vượt bậc của An Giang trong thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, trong những năm trở lại đây, An Giang đã có những bước phát triển vững chắc, từng bước xây dựng, hoàn thiện, phát triển môi trường kinh doanh. Vị trí và thứ hạng của An Giang trên bản đồ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước ngày càng được nâng lên rõ nét. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017, An Giang đạt 83,54 điểm (tăng 10,65 điểm so với năm 2016), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016: từ hạng 36 lên hạng 8). Kết quả này, đã đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và năm 2018, An Giang tiếp tục đứng hạng thứ 8 trong cả nước.
VNPT cam kết đồng hành xây dựng “An Giang điện tử” ảnh 3 Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông (VNPT iGate) được triển khai tại 16 sở, ngành; 11/11 huyện, thị xã, thành phố; 156 xã phường tại An Giang
Một trong những điểm sáng của An Giang là xây dựng chính quyền năng động, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc xây dựng, công bố khung Đề án “An Giang điện tử” cũng là một trong những nỗ lực của chính quyền nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó. Mặc dù với nguồn lực hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, hôm nay chúng ta vui mừng được đón nhận thành quả ban đầu của Đề án “An Giang điện tử”. Đây sẽ là cơ sở chính sách quan trọng, khung pháp lý cơ bản để định hướng cho chính quyền và các chủ thể có liên quan, trong đó Tập đoàn VNPT cùng đồng hành thực hiện, hướng tới xây dựng thành công Chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Tin cùng chuyên mục