Viết tiếp câu chuyện nghĩa tình

Mỗi năm, hàng ngàn suất học bổng đã đến tận tay những sinh viên, học sinh nghèo học giỏi của tỉnh Hà Nam thông qua Quỹ “Chắp cánh ước mơ”; trong đó, sự đóng góp nhiệt tình và liên tục của Công ty CP Phân bón Bình Điền là điều đáng ghi nhận.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ông Lê Quốc Phong trao học bổng tặng học sinh nghèo Hà Nam Ảnh: PHAN NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ông Lê Quốc Phong trao học bổng tặng học sinh nghèo Hà Nam Ảnh: PHAN NAM
 Năm 2017, Bình Điền lại trao thêm 500 suất học bổng ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Bớt đi giọt nước mắt, thêm nhiều nụ cười
Giống như lời ông Ngô Văn Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những cậu bé, cô bé học sinh ở các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng… vượt qua sự khó khăn đến cùng cực để tiếp tục sống, tiếp tục làm con ngoan, trò giỏi, ai cũng ứa nước mắt: “Chúng tôi đã đi rất nhiều, đến với những gia đình nghèo không kể xiết và chứng kiến cuộc sống của họ thật thiếu thốn. Ấy thế nhưng những đứa trẻ vẫn chịu khó học hành và thậm chí học rất giỏi, dù tuổi thơ của chúng không đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa”.
Chính những chuyến đi, được trải nghiệm cùng cuộc sống của người dân Hà Nam đã khiến ông Ngô Văn Đông và lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền tâm huyết nhập cuộc để chung tay cùng lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Hội Khuyến học tỉnh và nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh động viên, tiếp sức sinh viên, học sinh nghèo không bỏ trường, bỏ lớp. May mắn cho những cô, cậu bé sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Nam vì xã hội vẫn luôn có những tấm lòng hảo tâm, những trái tim thiện nguyện như thế, để cuộc đời bớt đi giọt nước mắt và thêm nhiều nụ cười.
Nhờ những tấm lòng thơm thảo đó, 3 chị em Phương ở huyện Thanh Liêm mồ côi cha từ sớm, mẹ bôn ba đây đó mưu sinh và gửi tiền về nuôi con ăn học, đã bớt đi phần nhọc nhằn; 3 anh em Thảo mồ côi cha lẫn mẹ từ lúc lên 10, đang sống cùng bà ngoại ở huyện Kim Bảng, không tính chuyện ngừng học; 2 anh em Khánh ở huyện Duy Tiên sẽ ít nghe tiếng người mẹ hiền đêm đêm thầm than khóc vì cái nghèo khiến các con đứng trước nguy cơ thất học…
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty Bình Điền, kể từ khi biết đến học bổng “Chắp cánh ước mơ” thì bản thân ông chưa bao giờ dừng chuyện đóng góp, vì đối với ông: Sống là để cho đi, là để giúp đời, giúp người. Bình Điền vốn dĩ là doanh nghiệp phục vụ người nghèo nên chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và đến với người nghèo trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mỗi năm, Bình Điền dành ra 60-70 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, sinh viên, học sinh nghèo hiếu học khắp nước. Trao học bổng là việc làm thiết thực, tạo điều kiện để các cháu không dang dở chuyện học, tiếp tục theo đuổi giấc mơ trường lớp, giảng đường đại học. Ông nhấn mạnh: “Cứ tâm niệm thế này, chắp cánh cho thế hệ trẻ tức là đang góp phần dựng xây đất nước, vun đắp cho một tương lai tốt đẹp và nhân văn hơn”.
Sẻ chia cuộc sống cùng nhau
Năm nay, Bình Điền tài trợ 1,091 tỷ đồng (tương đương 500 suất học bổng) để tỉnh Hà Nam trao tặng sinh viên và học sinh nghèo hiếu học, trong đó có con em của các chiến sĩ Trường Sa ngày đêm quên thân bảo vệ Tổ quốc. Đó là chưa kể, toàn bộ chi phí gần 2 tỷ đồng tổ chức chương trình giao lưu trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” diễn ra vào tối 10-8 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam, cũng do Công ty Bình Điền trang trải. Ông Phan Văn Tâm, Trưởng phòng Marketing của Bình Điền, cho biết: “Nếu giúp được gì các địa phương thì chúng tôi không quản ngại. Bình Điền chỉ muốn làm bạn với tất cả, lắng nghe và sẻ chia cuộc sống cùng nhau. Hãy thử đối diện với những số phận bất hạnh, những đứa trẻ nhà nghèo nhưng học rất giỏi, không một ai là không dang rộng vòng tay để giúp họ tiếp tục sống giữa cuộc đời”.
Hàng năm, ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Công ty Bình Điền, Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam còn kêu gọi và vận động thêm được rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Hội Đồng hương Hà Nam ở TPHCM, Hà Nội… chung tay đóng góp kinh phí để có thể duy trì Quỹ Học bổng “Chắp cánh ước mơ”. Đây là việc làm mà bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đánh giá là thiết thực, chạm đến trái tim của xã hội, nên đã trở thành điển hình cho nhiều địa phương khác học tập.

Tin cùng chuyên mục