Việt Nam và Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch 2 chiều 100 tỷ USD

Sáng 7-12, Bộ Công thương có thông cáo gửi báo giới thông báo về việc giữa Việt Nam và Hàn Quốc vừa cùng ký bản ghi nhớ hợp tác chặt chẽ về thương mại và kinh tế, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều đạt tới 100 tỷ USD (hiện tại là hơn 61 tỷ USD).

Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và ông Yun-mo Sung, Bộ trưởng Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ về chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng và đồng chủ trì phiên họp giữa kỳ của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, công nghiệp, năng lượng và thương mại tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày hôm qua, 6-12.

Bản ghi nhớ giữa 2 bộ trưởng Việt Nam và Hàn Quốc dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bản ghi nhớ đã được 2 bộ trưởng ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên đoàn chính thức tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.

Theo Bộ Công thương, đây là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc trong việc nỗ lực đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 - 2017.

Chương trình hành động này vạch ra những hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện – phụ tùng, ô tô, dệt may và da giầy, điện tử và xuất khẩu nông sản…

Cùng ngày, đã diễn ra phiên họp giữa kỳ của Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, năng lượng, công nghiệp và thương mại, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Yun-mo Sung. Hai bên đã đề ra những nội dung quan trọng để hợp tác cùng triển khai trong thời gian tới.

Một trong những nội dung quan trọng đó là nhanh chóng thúc đẩy, đưa dự án VITASK sớm đi vào hoạt động. Đây là dự án mà Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và kỳ vọng với mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Bên cạnh đó là việc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện, hàng tiêu dùng… Đặc biệt là xây dựng các trung tâm công nghiệp lớn về chế biến chế tạo thiết bị điện, thiết bị vận tải, giao thông, gắn với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, sản xuất các thiết bị năng lượng như tua-bin khí, tua-bin điện gió, các panel điện mặt trời, các hệ thống năng lượng sạch khác mà Hàn Quốc có thế mạnh.

Phía Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, năng lực về phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, lưới điện thông minh; tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mà nhà đầu tư Hàn Quốc đang tham gia tại Việt Nam.

Phía Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc sớm xem xét cho phép các sản phẩm thịt chế biến từ heo, gà của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư sản xuất các sản phẩm thịt chế biến để phục vụ thị trường Hàn Quốc.

Bộ trưởng Công thương Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất quy trình phân tích rủi ro, sớm cấp phép nhập khẩu cho quả vú sữa của Việt Nam, tiến tới là quả bưởi, chôm chôm, vải, nhãn vào thị trường Hàn Quốc.

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thuộc Bộ Công thương, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017. 

Tin cùng chuyên mục