Việt Nam sẽ có đô thị hạnh phúc?

“Đô thị hạnh phúc” là một chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội nghị bất động sản quốc tế 2018 đang diễn ra tại Hà Nội. Khái niệm này có lẽ không mới trên thế giới, bởi lẽ đã có nhiều quốc gia xây dựng được đô thị hạnh phúc thực sự, ví dụ như Dubai (UAE) hay một số thành phố của Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch... Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là một khái niệm còn khá mới mẻ.

Mặc dù có khá nhiều khu đô thị, căn hộ của Việt Nam được đặt tên là Hạnh Phúc, ví dụ như Khu dân cư Hạnh Phúc (số 11B xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) hay dự án Happy city tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)… nhưng nó dường như chỉ là một cái tên hay ho mà chủ đầu tư đặt cho dự án của mình, chứ chưa phải là đô thị hạnh phúc theo đúng nghĩa mà các quốc gia đang muốn hướng tới.

Theo ông Mahmound Al Bruai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (UAE), đô thị hạnh phúc phải lấy người dân làm trung tâm, là nơi người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội, với khả năng sở hữu nhà. Trong đô thị đó, hạ tầng, nhà cửa được xây dựng dựa trên một mật độ phù hợp, trong đó đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng, nơi con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng.

Cũng tại đô thị này, hệ thống giao thông thuận lợi, môi trường xanh sạch và năng lực quản trị tốt cũng là những yếu tố mang lại sự hạnh phúc bền vững cho các cư dân. Và theo các chuyên gia, trong một tương lai gần, đô thị hạnh phúc không chỉ làm thay đổi chất lượng sống của người dân mà còn làm thay đổi cả ngành bất động sản.

Vậy ở Việt Nam, đô thị hạnh phúc có phải quá xa tầm với hay không? Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc xây dựng đô thị hạnh phúc hoàn toàn có thể thực hiện được cùng với việc thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Chính phủ thống nhất quan điểm là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu mọi thành phần trong xã hội được thụ hưởng lợi ích để nâng cao chất lượng cuộc sống, được quyền tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết phát triển đô thị thông minh, hướng tới xây dựng đô thị hạnh phúc đang là vấn đề mới ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị cũng như ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào quy hoạch, xây dựng đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), điều các nhà quản lý, các nhà quy hoạch cần lưu tâm là đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật hiện đại và kinh tế cao, vấn đề cốt lõi cần quan tâm là văn hóa và chất lượng sống.

Theo đó, cần tổ chức đô thị theo nhiều cấp độ đa dạng, phù hợp với nhiều tầng lớp, nhóm cư dân có thu nhập khác nhau. Với nhóm người giàu có mức sống cao, sẽ cung cấp các tiện nghi cao cấp như biệt thự, bể bơi và có thể cả sân đỗ trực thăng. Nhưng với đại đa số người thu nhập thấp, người nghèo, thì những khu nhà ở xã hội giá rẻ, việc làm ổn định, dịch vụ công cộng phục vụ tốt, giao thông thuận tiện, không gian công cộng an toàn, thậm chí những vỉa hè thông thoáng… cũng đã là hạnh phúc!

Tin cùng chuyên mục