Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Việt Nam có khát vọng mãnh liệt trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng

Chiều 13-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu” trước hơn 1.200 doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam

Chào mừng các doanh nghiệp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng xét về độ sâu thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của Việt Nam. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những thành công của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững… Trước thực trạng đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

“Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP. Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế” - Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị - xã hội ở một số nước rơi vào bất ổn. Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát; lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ… Với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên của WTO, tham gia ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA); Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm… “Với mỏ vàng nông nghiệp còn chưa được khai thác hết, đây sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn... Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất. Đồng thời, Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng chia sẻ, với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và khẳng định, thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Chính phủ.

Về quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam và kết quả CPTPP sẽ mang lại cho Việt Nam, Thủ tướng cho biết, CPTPP là một FTA thế hệ mới và dự kiến mang tới những cơ hội phát triển như tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn, tăng xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư nước ngoài… Trong kỳ họp tới của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua CPTPP. Để CPTPP mang lại hiệu quả thì cũng đặt ra nhiều vấn đề như phải sửa đổi một số thể chế; đồng thời doanh nghiệp cũng phải nâng tầm trình độ phát triển để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh về năng suất, chất lượng.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chính phủ điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm qua. Để thành công trong xây dựng chính phủ điện tử, theo Thủ tướng, khâu tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, xây dựng thể chế pháp luật về xác thực, định danh điện tử; về chia sẻ dữ liệu, về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiến tới xây dựng Luật Chính phủ điện tử. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu; hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, địa phương về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, tài chính; ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng và triển khai chính phủ điện tử…

Tin cùng chuyên mục