Video bẩn để câu quảng cáo tràn lan trên mạng

Hiện nay, có khá nhiều người thực hiện các video, phim ngắn rồi đưa lên YouTube để kiếm lượt xem, qua đó được nhận tiền từ YouTube nhờ tiền quảng cáo. 

Theo quy định mới của YouTube, mỗi kênh video phải thu được tổng thời gian ít nhất là 4.000 giờ xem/năm, và số lượng người đăng ký theo dõi phải đạt tối thiểu 1.000 thành viên, thì mới trở thành đối tác để được YouTube chèn quảng cáo và trả tiền.

Nếu biết cách làm các video thì việc kiếm tiền từ YouTube sẽ mang lại khoản thu lợi nhuận khá lớn, như trường hợp một người ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân gần 2 tỷ đồng đối với khoản thu nhập từ Google hơn 700.000USD (khoảng 16 tỷ đồng).

Chỉ cần bỏ vốn vài chục triệu đồng, một số người đã thực hiện các dự án như thuê ca sĩ, dàn nhạc, làm sân khấu rồi tổ chức biểu diễn ghi hình các bài hát, sau đó đưa lên mạng để thu hút người xem.

Công phu hơn, có người xây dựng các bộ phim ngắn, phim hài ngắn, thường do các bạn ở Trường Sân khấu - Điện ảnh làm đề tài tiểu luận, tốt nghiệp, rồi đưa lên mạng, để vừa được đánh giá, nâng cao tay nghề, vừa kiếm thêm thu nhập. Các hoạt động này giúp mọi người có thêm một số vấn đề không kiểm soát được nội dung, nên trên mạng xuất hiện các video với đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, cả những video bẩn chỉ nhằm câu quảng cáo.

Để có được lượt xem video nhiều, ngoài yếu tố hay, hấp dẫn, một số người làm lại cố tình sản xuất và đưa lên mạng những clip độc, lạ, nhưng lại hết sức phản cảm và nhảm nhí. Chẳng hạn như những video phim với nội dung mang tính kích dục, ăn mặc hở hang; những bài hát với ca từ chẳng chút gì nghệ thuật; những đoạn hài nhảm nhí với nội dung phản cảm…

Các video bẩn đó xuất hiện nhan nhản để thu hút thị hiếu tầm thường của người xem. Các video bẩn này trở nên hấp dẫn và đôi khi lại hình thành trào lưu không tốt cho giới trẻ, như chọc cười bằng nhiều kiểu khiêu khích vô duyên, ăn mặc kỳ quái chẳng giống ai, làm những trò chơi nguy hiểm… Đặc biệt, một số chương trình video sản xuất hướng đến lứa tuổi trẻ em nhưng nội dung những câu chuyện hết sức sàm, ăn mặc hở hang, nhiều hành động thể hiện tình cảm quá mức.

Các đơn vị máy chủ trang mạng xã hội ở nước ngoài như YouTube chỉ gỡ bỏ hoặc không cho phép tồn tại các video mang tính chất đồi trụy, bạo lực, xúc phạm tôn giáo, hoặc bị cơ quan chức năng của chính phủ nào đó yêu cầu gỡ bỏ.

Do đó, ai cũng có quyền đưa video lên mạng mà không cần sự kiểm duyệt nào, miễn không vi phạm các quy định của YouTube. Chính vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến bản thân và con cái, chúng ta phải biết lựa chọn những video phù hợp để xem và giải trí sao cho bổ ích. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra những video bẩn, có dấu hiệu ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa giải trí của người dân, để yêu cầu gỡ bỏ.

Tin cùng chuyên mục