Vỉa hè mà biết nói năng…

Người dân TPHCM rất hiểu và chấp nhận những phiền toái khi lòng lề đường bị đào xới để thi công các công trình ngầm, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị, vì sau đó chính người dân được thụ hưởng thành quả. Tuy nhiên, dư luận rất thắc mắc về việc vì sao cứ phải liên tục đào xới lề đường?


Vỉa hè chóng hư 


Những tháng trước đây, vỉa hè nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố đã đồng loạt được lát lại gạch như Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu… Có đoạn, vỉa hè được lát bằng gạch tarrazo, có đoạn lát bằng đá granite với chi phí cao hơn nhiều. Trên tuyến đường Hoàng Sa - Rạch Bùng Binh (quận 3), mấy ngày gần đây toàn bộ vỉa hè cũng đã được lột lên để chờ lát lại gạch. Làm đẹp hè phố, ai cũng mừng, nhưng đến thời điểm tháng 11, vào mùa kinh doanh cuối năm, việc vẫn tiếp tục đào xới thêm vỉa hè nhiều tuyến đường khiến người dân lo ngại cảnh bừa bộn, ngổn ngang gạch đá và bụi bặm. 

Anh Lê Hoàng Nam (ngụ tại quận 3) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP nói: “Ai cũng biết rằng muốn dọn dẹp, sửa sang cho khang trang, sạch đẹp hơn, thì phải chấp nhận trải qua những ngày vất vả, thiếu tiện nghi và vật tư bừa bộn. Lát gạch vỉa hè là công trình dân sinh, chăm lo cho cư dân, nhưng năm nào tại TPHCM cũng có tình trạng ồ ạt đào xới lòng lề đường vào cuối năm, khiến người dân khốn khổ vì đi lại ùn tắc, buôn bán khó khăn. Với lại có nhiều con đường cứ vài năm thì lại đào xới để lát mới vỉa hè. Bây giờ tuổi thọ vỉa hè quá ngắn ngủi!”.
Vỉa hè mà biết nói năng… ảnh 1 Một kiểu tái lập cẩu thả sau khi đào vỉa hè trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3)
Đúng là hạn sử dụng của các công trình lát gạch vỉa hè không được lâu. Bằng chứng là vỉa hè góc đường Nam Kỳ khởi Nghĩa - Võ Văn Tần, dù lát bằng đá granite đắt tiền, đẹp mắt, nhưng mới vài năm đã có những viên bong lên, cứ nghe lọc cọc mỗi khi có xe gắn máy leo lề. Nói vậy không phải trách nhà thầu thi công kém chất lượng, mà nhiều tuyến đường bị như vậy là do khi ùn tắc giao thông thì nhiều xe chạy lên lề đường, gạch đá khó còn nguyên vẹn. Cứ vừa lát xong là xe lại chạy lên thì vỉa hè nào chịu nổi. Để khắc phục, nhiều vỉa hè ở quận 1 được lắp đặt barie ngăn không cho xe máy leo lề, ấy vậy mà có những người đi xe máy vẫn cố leo lề luồn lách, vỉa hè vẫn bong tróc. Vỉa hè đường Lý Tự Trọng (đoạn trước Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM) hay vỉa hè đường Pasteur (đoạn bên hông Bảo tàng Cách mạng) khi xe leo lề là gạch va vào nhau rào rạt như tiếng bánh tráng vỡ. Tại các quận 1, 3, 5… nhiều vỉa hè không còn nguyên vẹn, dù mới được lát không lâu. Thi công kéo dài Việc thi công các công trình vỉa hè thường kéo dài, khiến người dân ngán ngẩm vì ảnh hưởng việc sinh hoạt và kinh doanh. Những ngày gần đây, nhiều vỉa hè bị đào lên để hạ ngầm cáp điện, cáp viễn thông và công trình cấp nước, đến khi tái lập, mặt vỉa hè lổn nhổn, vá víu như manh áo rách. Theo quy định, đơn vị thi công phải tái lập vỉa hè trước 5 giờ sáng. Nếu thi công ở quận Gò Vấp, quận 5, đơn vị thi công chỉ cần tráng tạm lớp bê tông xi măng, chiều tối hôm sau tráng gạch lại là được. Thi công ở quận 1, quận 3, đơn vị thi công phải tráng gạch ngay để tránh gây cảnh hè phố nhếch nhác. Có nhà thầu thi công than: “Mới tráng vỉa hè xong, chủ nhà mở cửa kinh doanh, xe chạy lên, người đi lại, vỉa hè lại… toi. Do hư hao, bể vỡ như vậy nên gạch để tái lập, phải dự phòng gấp đôi. Để chắc ăn, nhiều đoạn tái lập xong phải căng dây rào chắn ngăn xe chạy lên. Nhưng chỉ được một lúc, xe lại leo bừa lên. Cuối cùng, vỉa hè nào cũng bong tróc, dù đã bảo trì, bảo hành”.  Đó là chưa nói, ngành điện lực hạ ngầm xong không lâu, ngành cấp nước, thoát nước lại đào lên, lại tái lập, nên vỉa hè nát như băm, dù có bảo hành như cam kết của các nhà thầu hay chủ đầu tư. Tiền thuế của dân cứ tiêu tốn theo. Muốn bảo đảm chất lượng công trình vỉa hè, không thể cứ để trì trệ đến cuối năm rồi thi công lung tung, quấy quá. Mặt khác, rất cần có một tổng chỉ huy đủ sức kết nối, phối hợp với các đơn vị trong việc duy tu bảo dưỡng lòng lề đường.

Tin cùng chuyên mục