Vì sức khỏe người nghèo

Buổi trò chuyện với anh diễn ra trong phòng làm việc thuộc Khoa Phẫu thuật tim, nhiều lần bị ngắt quãng vì anh phải nghe báo cáo từ cấp dưới hay chỉ đạo xử trí ca khó… Anh được tặng Huân chương Lao động hạng ba vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chăm sóc sức khỏe người nghèo nhưng ít người biết.
Vì sức khỏe người nghèo

Buổi trò chuyện với anh diễn ra trong phòng làm việc thuộc Khoa Phẫu thuật tim, nhiều lần bị ngắt quãng vì anh phải nghe báo cáo từ cấp dưới hay chỉ đạo xử trí ca khó… Anh được tặng Huân chương Lao động hạng ba vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chăm sóc sức khỏe người nghèo nhưng ít người biết.

Ký ức của mẹ

Tháng 1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, tôi chỉ biết ôm chặt lấy Định, trào nước mắt và viết thư chia sẻ cùng anh: “Người Hà Nội đón tết tưng bừng anh à, chưa lúc nào vui bằng, pháo hoa bắn liên tục hai đêm liền. Tuy mẹ con em chưa kịp sắm quần áo mới nhưng cu Định vẫn tung tăng vui đùa cùng bạn bè, cu Định hỏi: “Sao tết rồi mà ba vẫn chưa về hả má”. Tôi biết anh chưa thể về được. Ở đơn vị còn nhiều việc phải sẵn sàng chiến đấu. Cùng với đất nước, gia đình nhỏ của chúng tôi cũng có nhiều niềm vui. Anh lập thêm nhiều chiến công, cứu sống được nhiều thương binh, được thưởng 5 huân chương và được phong quân hàm thượng úy.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định trong một lần đi khám bệnh cho trẻ em vùng xa

Đầu tháng 6, tôi và Định từ Hà Nội vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) thăm anh. Hai mẹ con đi xe khách, nghỉ đêm ở Hà Tĩnh, chiều hôm sau tới Vĩnh Linh. Được sống gần anh, qua những câu chuyện “bây giờ mới kể” tôi càng cảm phục, quý mến sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các anh vừa qua (anh viết thư không kể hết vì sợ gia đình lo). Địa bàn đơn vị đóng quân vừa bị B52 cày xới liên tục 3 ngày đêm lúc đơn vị đang thu dung hơn 1.500 thương binh… và Định là đứa bé đầu tiên vào với đơn vị nên các chú rất cưng, ngày nào cũng thay nhau đem gà tăng gia đến mời ăn. Định được tha hồ chạy nhảy lăn cù trong các hố cát. 

Tháng 12-1974, đơn vị anh chuyển vào tuyến trong. Xe anh lao đi theo hướng Nam. Lần này tôi không khóc, có thể nhờ sự lạc quan của anh truyền cho tôi. Thời gian này anh được thăng quân hàm đại úy. Sau này tôi được biết, các anh theo đường Trường Sơn qua Lào rồi về KonTum. Đơn vị hành quân bằng ô tô qua nhiều binh trạm, cứ hơn 100 cây số có một binh trạm. Đường Trường Sơn người đi ào ào như thác đổ, xe chạy kín đường.

Ngày 11-3-1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng. Tháng 5-1975, tôi nhận được quyết định của Ban Tổ chức Trung ương cử đi học khóa cán bộ khung về công tác quản lý các cơ sở giáo dục ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, rồi được phân công về Chợ Lớn. Được trở về quê hương để góp một phần sức lực ngay từ những ngày đầu giải phóng, vô cùng vinh dự vui mừng. Và tôi được gặp chồng, Định được gặp cha.

Con học thành tài

Cũng như những đứa trẻ vùng Chợ Lớn những ngày sau giải phóng, Nguyễn Hoàng Định lớn lên cùng với những khó khăn thường nhật, nên ngoài giờ học Định phải đi chở cơm thừa ở các quán hàng về nuôi heo, phụ mẹ làm kem chuối, vấn thuốc lá điếu, cắt may đồ thuê… Chiếc xe đạp cà tàng “mẹ truyền con nối” được mua theo tiêu chuẩn phân phối đã gắn suốt tuổi thơ Định, cho đến khi vào giảng đường đại học, vẫn oằn mình chuyên chở những chuyến hàng gia công, những thùng cơm heo và cả ước mơ của Định. ở trong một khu xóm lao động nên Định thấu hiểu cảm giác của người nghèo, người ít chữ chẳng may khi lâm bệnh, vì thế để nối nghiệp cha và mong ước trị bệnh cho người nghèo, không gì hơn là sự kiện anh đậu và tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, rồi học lên thạc sĩ. Năm 2000, Nguyễn Hoàng Định được làm giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Năm 2002, ngành phẫu thuật tim non trẻ ra đời tại Việt Nam, Nguyễn Hoàng Định may mắn được những người thầy, những “bàn tay vàng” trong ngành như bác sĩ Nguyễn Đình Hối, Phan Kim Phương, Trương Quang Bình... giúp đỡ, dìu dắt, tạo điều kiện cho anh phát triển. Anh được sang Pháp học nâng cao. Năm 2004, Chi bộ lưu học sinh và vùng phụ cận - Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức kết nạp Nguyễn Hoàng Định vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay trên đất Pháp.

Trong 8 năm, từ 2004 đến 2012, anh vừa học, vừa làm việc, vừa giảng dạy và nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ. Anh trở thành Trưởng khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện, đồng thời làm Bí thư Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ bệnh viện. Tháng 10-2016, anh được phong Phó giáo sư.

Không hào nhoáng, không ồn ào, lặng lẽ với cả báo chí, từ khi Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai mổ tim vào năm 2006, bác sĩ Định là người tham gia ca mổ đầu (với sự dìu dắt của các thầy và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong khoa), cho đến nay, anh đã cùng ê kíp đưa con số người bệnh được phẫu thuật tim, được cứu sống lên hơn 3.500. Trong con số ấn tượng trên, có 1.200 ca phẫu thuật tim cho người bệnh nghèo do anh tham gia trực tiếp.

Trong công tác đào tạo, anh còn định hướng xây dựng phát triển chuyên môn và hiện đại hóa trang thiết bị để thực hiện tốt các phẫu thuật điều trị triệt để các bệnh tim phức tạp, đặc biệt là các bệnh nhi nhỏ ký. Và không ngạc nhiên khi biết anh trực tiếp tham gia hàng chục chuyến công tác để khám tim cho hơn 4.000 bệnh nhân nghèo, khám sàng lọc cho 6.577 lượt trẻ em và bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim.

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Định, một bác sĩ lành nghề sẽ không hốt hoảng, không run rẩy, không hớt hơ hớt hải, không phí thời gian ân cần... khi người bệnh trở nặng. Người bác sĩ đó phải luôn tỉnh táo để nhanh chóng giải bài toán cấp cứu trong đầu mình, càng nhanh càng tốt.

Bác sĩ Định chia sẻ: “Phẫu thuật tim mạch là một chuyên ngành y khoa kỹ thuật cao, đòi hỏi làm việc nhóm, phối hợp hiệu quả của nhiều chuyên khoa Nhi, Nội Tim mạch, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để các nhóm làm việc và các thành viên trong khoa phát huy khả năng chuyên môn một cách tốt nhất, đạt kết quả cao nhất trong việc điều trị phẫu thuật tim. Tỷ lệ tai biến và tử vong thấp của bệnh nhân được điều trị phẫu thuật tại khoa, trung bình 1,2% đáp ứng tiêu chuẩn của các trung tâm tim mạch lớn trên thế giới (tỷ lệ tử vong chấp nhận từ 2%-5%)”.

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục