Vì sao hộ cá thể không thích… lớn?

Trước chủ trương phát triển đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, Chính phủ và địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ giúp hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Mặc dù lên DN thì sẽ được chủ động kê khai thuế, được khấu trừ chi phí và có nhiều cơ hội… vươn ra “biển” lớn hơn, thế nhưng các hộ kinh doanh cá thể hiện nay không muốn chuyển đổi lên DN. Vì sao?
Mua bán tại một sạp trong chợ An Đông. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mua bán tại một sạp trong chợ An Đông. Ảnh: THÀNH TRÍ

Môi trường kinh doanh thấp

Các nhà khoa học cho rằng, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh chưa đạt yêu cầu mong muốn, so với các nước trong khu vực thì môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém. Các yếu tố về môi trường kinh doanh ở các cấp địa phương chưa có lợi cho DN tư nhân nên theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao.

GS Ngô Thắng Lợi (Hà Nội) cho rằng, DN mới thành lập đa số ở quy mô nhỏ và vừa, không có sức sống lâu bền, nên khó cạnh tranh tồn tại, chứng tỏ là rất ít DN có “sinh nhật lần thứ hai”. Nguyên nhân cơ bản là do năng lực yếu, quy mô nhỏ và siêu nhỏ, quy trình công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, lao động hầu hết là thủ công chưa qua đào tạo... Đó cũng là lý do số DN làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động nhiều.

Do vậy, nhiều người cho rằng, nên chuyển mô hình phát triển từ chiều rộng (tăng số lượng DN) sang chiều sâu (hỗ trợ, tạo điều kiện DN làm ăn, lớn mạnh, đủ sức vươn ra ngoài cạnh tranh). Chẳng hạn như giúp DN tư nhân chú trọng đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu…

Bởi như kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2018, trong số các DN hoạt động, có đến 55% gặp khó khăn do yếu kém về năng lực, 61% DN cho rằng khó khăn trong cạnh tranh, 32% DN được hỏi cho rằng khó khăn về tài chính. Con số đó cho thấy, vốn không phải là vấn đề khó khăn chính yếu đối với đa số DN. Mặc dù việc vay vốn đối với DN nhỏ là vấn đề khó khăn hiện nay vì không có tài sản đảm bảo, không có báo cáo tài chính “đẹp”. Trong khi các vấn đề khác như xúc tiến, nguồn nhân lực… nhà nước có thể hỗ trợ được. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có gần 70% DN gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân lao động có kỹ thuật, nguyên nhân chính là do lương thấp, điều kiện làm việc không hấp dẫn.

Sợ bị chú ý

Rất nhiều hộ kinh doanh cá thể trả lời thế vì lo lắng nếu lên DN sẽ bị các ban ngành, cơ quan khác chú ý. “Làm ăn kiểu gì thì cũng có cái sai, nếu làm nổi quá sẽ bị chú ý, hết đoàn này đến kiểm tra đến đoàn khác đến vận động hỗ trợ thì thời gian đâu nữa mà làm ăn. Nên cứ lẳng lặng làm ăn cho khỏe”, một cá nhân doanh kinh ở quận 10, TPHCM chia sẻ. Một hộ cửa hàng kinh doanh ở quận 5 nói thẳng, sẽ không lên DN vì sợ bị “soi”! Anh này cho rằng, các thủ tục hành chính phức tạp lắm. Bán một chai rượu cũng phải đăng ký hàng loạt giấy tờ, thậm chí phải có cả hệ thống xả thải, hệ thống môi trường… không thể làm nổi. Vậy nên làm nhỏ thôi, cho đỡ bị kiểm soát.

Anh N.M.T ở quận 8 thì nói rằng không biết các thủ tục thuế nên không có ý định lên DN. Giờ cứ cán bộ thuế xuống nói bao nhiêu thì thỏa thuận hàng tháng nộp là xong. Chứ lên DN, sổ sách, các đoàn kiểm tra phức tạp lắm! Một tiểu thương ở chợ Bình Điền cũng thế, doanh số mỗi tháng vài tỷ đồng, nhưng chỉ tính tiền “tươi”, không xài máy vi tính, không biết báo cáo thuế điện tử nên không dám lên DN. Còn nếu thuê kế toán thì vừa phải trả tiền thuê vừa lo lắng họ có làm gì sai mình phải chịu trách nhiệm. Do vậy, cứ làm như lâu nay, mỗi tháng đóng một cục cho xong.

Tuy nhiên, một vấn đề tế nhị khác khiến hộ cá thể sợ “lớn” là khi mang “mác” DN thì phải tăng chi phí ngoại giao, phải tiếp các đoàn thanh - kiểm tra, phải tuân thủ nhiều hồ sơ sổ sách… Trong đó, một dẫn chứng khiến nhiều người suy nghĩ, đó là ngay trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay thì hộ, cá nhân kinh doanh bị phạt ở mức thấp, còn lên DN, cũng hành vi đó, phải chịu mức phạt gấp đôi.

Mặc dù, Chính phủ luôn xem trọng khu vực kinh tế tư nhân, thế nhưng chưa có cơ chế phát triển tương xứng, DN ngán ngại lớn mạnh vì môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nếu khuyến khích hộ cá thể lên DN mà không có cơ chế bảo vệ họ sẽ khiến họ bị triệt tiêu. Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm có hàng chục ngàn DN tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP cho nền kinh tế, nhưng sự phát triển của khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản lớn. Tổng hợp điều tra năm 2018 cho thấy, hơn một nửa số DN tư nhân sẽ không mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Do vậy, để khuyến khích người dân kinh doanh, điều quan trọng không phải là vận động mà phải phải bắt đầu từ cơ chế chính sách, quy định pháp luật và áp dụng thực thi công bằng, minh bạch.

Báo cáo công bố kết điều tra DN nhỏ và vừa do nhóm nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Đại học Copenhagen và Viện Khoa học lao động và xã hội thực hiện, kết quả: trong số hơn 2.600 DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia khảo sát, có tới 83% DN cho biết họ có gặp trở ngại trong kinh doanh, hơn 42% DN thừa nhận đã phải chi những khoản không chính thức để được hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.

Tin cùng chuyên mục